Văn hóa, du lịch

Giới thiệu âm nhạc dân gian Ấn Độ tại Việt Nam

Thứ tư, 16/8/2023 | 12:21 GMT+7
Nhân kỷ niệm lần thứ 77 Ngày Độc lập của Cộng hòa Ấn Độ, tối ngày 15/8, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với Đại sứ quán Ấn Độ tại Hà Nội tổ chức Đêm nhạc hòa âm dân gian.

Phát biểu tại sự kiện, bà Nguyễn Phương Hòa, Cục trưởng Cục Hợp tác quốc tế, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết, đêm nhạc có ý nghĩa trong việc tăng cường tình hữu nghị, sự gắn kết trong quan hệ đối tác chiến lược giữa Việt Nam và Ấn Độ một cách toàn diện; trong đó văn hóa là cầu nối quan trọng đối với nhân dân của cả hai nước.

Đêm nhạc hòa âm dân gian

Chương trình có sự góp mặt của Tetseo Sisters - một trong những ban nhạc hàng đầu và nổi tiếng nhất ở Ấn Độ. Tại sự kiện, Tetseo Sisters đã dành thời gian để quảng bá hình thức âm nhạc gần như đã bị lãng quên của bộ tộc Chakhesang Naga, Ấn Độ. Các thành viên trong ban nhạc đều đến từ một gia đình và cùng thể hiện loại hình âm nhạc đặc trưng truyền thống của Ấn Độ.

Theo đó, xuyên suốt buổi biểu diễn, các nghệ sĩ hát, múa, đệm đàn dẫn chuyện, truyền tải đến khán giả ở dạng thức nguyên sơ nhất, đi kèm theo đó là hơi hướng của âm nhạc đương đại. Các bài hát có giai điệu du dương pha lẫn nhộn nhịp, tập trung vào hòa âm, phối khí. Chủ đề của các ca khúc thường là bài học về cuộc sống, thiên nhiên, tình yêu, tình bạn, những giai điệu ngợi ca về lòng dũng cảm, hoài bão tuổi trẻ, các giá trị thời gian và cách sống đầy cảm hứng...

Trước đó, chương trình biểu diễn âm nhạc dân gian Ấn Độ đã diễn ra ở các tỉnh Hải Dương, Lào Cai và Bắc Ninh. Hoạt động này mang những nét văn hóa đa dạng, độc đáo và đặc sắc của Ấn Độ đến gần hơn với đông đảo công chúng Việt Nam.

Trước đó, Đại sứ quán Ấn Độ tại Việt Nam đã tổ chức Lễ thượng cờ nhân dịp kỷ niệm 76 năm Quốc khánh. Tại buổi lễ, Đại sứ DeskSandeep Arya, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Ấn Độ tại Việt Nam đã đọc bài phát biểu kỷ niệm của Tổng thống Ấn Độ Droupadi Murmu nhấn mạnh các thành tựu phát triển của nước này tại khu vực và quốc tế, đặc biệt trong năm chủ tịch Nhóm các nền kinh tế lớn (G20).

Với vai trò chủ tịch G20, Ấn Độ có thể thúc đẩy quá trình ra quyết định về thương mại và tài chính hướng tới tiến bộ công bằng. Ngoài thương mại và tài chính, các vấn đề về phát triển con người cũng nằm trong chương trình nghị sự.

Đại sứ nhấn mạnh, có nhiều vấn đề toàn cầu liên quan đến toàn nhân loại và không bị giới hạn bởi ranh giới địa lý. Với nhiệm kỳ lần này của mình trong việc giải quyết các vấn đề toàn cầu, Ấn Độ thúc đẩy các quốc gia thành viên hành động hiệu quả trong các lĩnh vực.

Linh Giang (T/H)