Phát biểu khai mạc hội thảo, Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Võ Nguyên Phong cho biết, vật liệu xây dựng (VLXD) đóng vai trò hết sức quan trọng đối với sự phát triển của mỗi quốc gia, địa phương, đặc biệt là Thủ đô Hà Nội. Với tốc độ đô thị hóa ngày càng cao, nhu cầu về VLXD phục vụ thi công xây dựng các công trình ngày càng lớn, trong đó VLXD truyền thống khai thác từ nguồn khoáng sản tự nhiên ngày càng hạn chế.
Những loại vật liệu mới, tái chế, thông minh... phù hợp với kiến trúc hiện đại thay thế cho các loại VLXD truyền thống đang được nghiên cứu, phát triển và sử dụng ngày càng nhiều trong các công trình xây dựng, giao thông... Do đó, việc nghiên cứu, phát triển sản xuất các chủng loại sản phẩm VLXD mới, vật liệu tái chế nhằm đáp ứng nhu cầu về VLXD trong công cuộc công nghiệp hóa, đô thị hóa của thành phố Hà Nội nói riêng và cả nước nói chung là hết sức quan trọng.
Phát triển vật liệu xây dựng tái chế, vật liệu xây dựng mới góp phần giảm ô nhiễm môi trường, bảo đảm hiệu quả kinh tế - xã hội cao. (Ảnh minh họa)
Ông Võ Nguyên Phong nhấn mạnh, với đặc thù là Thủ đô của cả nước, là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, giáo dục của quốc gia, Hà Nội có những tiềm năng lợi thế nhất định trong nhiều lĩnh vực. Tuy nhiên, đối với lĩnh vực VLXD, do nguồn khoáng sản làm vật liệu của thành phố không nhiều, hạn chế về khả năng khai thác nên việc phát triển lĩnh vực này còn gặp nhiều khó khăn về nguồn cung nguyên liệu đầu vào.
Lãnh đạo Sở Xây dựng Hà Nội cho biết biết, trên địa bàn thành phố đang triển khai nhiều dự án đầu tư xây dựng các khu đô thị, nhà ở, dự án đường giao thông, trong đó có dự án trọng điểm quốc gia (vành đai 4). Vì vậy, nhu cầu một số loại vật liệu phục vụ các dự án này cần số lượng rất lớn, chưa thể chủ động đủ nguồn cung tại chỗ, đặc biệt là những loại vật liệu rời (đá xây dựng, đất đắp, cát san lấp) và phải nhập từ các tỉnh lân cận. Về lâu dài, cần có những nghiên cứu, định hướng phát triển các vật liệu thay thế, xanh, bền vững.
Sở Xây dựng Hà Nội đang chủ động, phối hợp với các sở, ban, ngành liên quan, UBND các địa phương tạo điều kiện thuận lợi, khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đầu tư, phát triển sản xuất những loại VLXD mới tiên tiến, vật liệu thay thế vật liệu truyền thống, giảm được ô nhiễm môi trường, bảo đảm hiệu quả kinh tế - xã hội cao.
Vụ trưởng Vụ Vật liệu Xây dựng (Bộ Xây dựng) Lê Trung Thành cho biết, thời gian qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Xây dựng đã ban hành nhiều chính sách liên quan đến phát triển ngành VLXD, trong đó, đặc biệt quan tâm tới các mục tiêu phát triển ngành vật liệu theo hướng bền vững, xanh, tiết kiệm tài nguyên, thân thiện môi trường. Ông Lê Trung Thành mong muốn, thành phố tiếp Hà Nội tục khai thác có hiệu quả các tiềm năng, thế mạnh để phát triển sản phẩm vật liệu mới, vật liệu tiết kiệm năng lượng, thân thiện với môi trường, vật liệu tái chế, có giá trị kinh tế cao; đồng thời đưa công nghệ tiên tiến, hiện đại vào sản xuất VLXD để nâng cao năng suất, chất lượng và chủng loại.
Tại hội thảo, đại diện các cơ quan quản lý, các viện nghiên cứu cùng nhiều doanh nghiệp đã thảo luận, chia sẻ kinh nghiệm nghiên cứu và ứng dụng vật liệu tái chế, vật liệu mới với những giải pháp cụ thể, phù hợp với tình hình thực tế.