Từ tháng 1/2025 đến nay, gần 100 cảm biến đo đếm lưu lượng phương tiện lưu thông đã được lắp đặt tại các tuyến đường lớn trên địa bàn thành phố Hà Nội. Những cảm biến này sẽ truyền hình ảnh về Trung tâm Quản lý và điều hành giao thông thành phố Hà Nội, sau đó công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) sẽ xử lý, phân tích xu hướng giao thông và đưa ra dự đoán các điểm có nguy cơ ùn tắc. Nhờ đó, lực lượng cảnh sát giao thông có thể điều khiển và lập trình đèn tín hiệu giao thông từ xa mà không cần điều chỉnh trực tiếp tại các tủ điều khiển giao thông.
Tối ưu lưu lượng giao thông chỉ là một trong những ứng dụng của AI trong hệ thống giao thông thông minh (Intelligent Transport System – ITS). Hiện nay, các thành phố lớn trên thế giới như Singapore, London và New York đã bắt đầu triển khai các hệ thống ITS để theo dõi và điều tiết lưu lượng giao thông theo thời gian thực. Những hệ thống này được sử dụng để giải quyết các vấn đề về giao thông đường bộ, trong đó bao gồm giám sát an ninh công cộng, cảnh báo tắc đường, phát hiện vi phạm giao thông, hệ thống đếm lưu lượng xe… Không nằm ngoài xu thế, Hà Nội đã và đang triển khai các gói giải pháp ứng dụng AI trong lĩnh vực kiểm soát giao thông và thí điểm mô hình giao thông thông minh.

Thành phố Hà Nội đẩy mạnh phát triển giao thông thông minh. (Ảnh minh họa)
Được đưa vào thí điểm từ năm 2024, Trung tâm Quản lý điều hành giao thông đô thị Hà Nội với hệ thống phần mềm quản lý và thiết bị ngoại vi có 12 chức năng cơ bản gồm: giám sát giao thông; cung cấp thông tin giao thông; điều khiển giao thông; hỗ trợ xử lý vi phạm trật tự an toàn giao thông; quản lý giao thông công cộng; quản lý đỗ xe; quản lý sự cố; quản lý kết cấu hạ tầng giao thông; quản lý thanh toán vé điện tử giao thông công cộng; quản lý vận tải; quản lý nhu cầu giao thông; mô phỏng giao thông trong công tác quản lý, khai thác và điều hành giao thông vận tải.
AI sẽ từng bước được ứng dụng với những chức năng này nhằm mang đến giải pháp hữu hiệu, góp phần nâng cao hiệu quả trong quản lý, điều hành giao thông thành phố.
Theo các chuyên gia giao thông, hệ thống giao thông thông minh giúp tối ưu các luồng lưu thông, làm cho giao thông thông suốt. Từ đó, tiết kiệm được thời gian lưu thông, giảm chi phí nhiên liệu và lượng phương tiện tham gia giao thông. Đồng thời, góp phần giảm khí thải gây ô nhiễm môi trường, giảm khả năng xảy ra tai nạn giao thông…
Hà Nội hiện có hơn hàng trăm cụm camera giám sát giao thông hoạt động 24/24h, ghi nhận vi phạm tại các tuyến đường. Dữ liệu từ camera sẽ được truyền trực tiếp về Trung tâm chỉ huy giao thông (Phòng Cảnh sát giao thông Hà Nội) để lực lượng chức năng theo dõi, phân tích và xử lý. Với camera thông minh giám sát, tình hình giao thông trên nhiều tuyến phố, nút giao, các xung đột, va chạm giao thông... liên tục được cập nhật về trung tâm. Biển số ô tô, xe máy được camera ghi lại rõ nét theo thời gian thực.
Bên cạnh đó, thành phố đang mở rộng việc triển khai hệ thống camera giám sát thông minh, tích hợp AI để hỗ trợ công tác giữ gìn an ninh trật tự và giám sát giao thông hiệu quả hơn. Cụ thể, Công an thành phố đang mở rộng mạng lưới giám sát với 4 dự án lắp đặt thêm 3.700 camera ứng dụng AI nhằm nâng cao hiệu quả bảo đảm an ninh trật tự và quản lý giao thông. Hệ thống mới sẽ có khả năng nhận diện khuôn mặt, biển số xe, giúp xác minh danh tính trong các vụ việc liên quan đến an ninh.
Đồng thời, hệ thống cũng giám sát và phát hiện các hành vi vi phạm giao thông, đưa ra cảnh báo nguy cơ mất an toàn trong thời gian thực. Ngoài ra, hệ thống camera này sẽ tích hợp với dữ liệu điều hành thông minh, cho phép phản ứng nhanh trong các tình huống khẩn cấp…
Với hệ thống camera hiện nay, người dân nếu không tự giác chấp hành, hoặc chỉ chấp hành khi có Cảnh sát giao thông, camera sẽ ghi nhận và thông báo đến các chốt ứng trực trên đường để xử lý.
Cùng với đó, việc lắp đặt các camera AI còn giúp thành phố có thể ứng dụng vào nhiều lĩnh vực khác như phát hiện lấn chiếm vỉa hè, xả rác bừa bãi để giữ gìn đô thị sạch đẹp hơn; hỗ trợ an ninh, phát hiện các sự cố trên đường để đảm bảo an toàn cho người dân; cung cấp dữ liệu cho quy hoạch đô thị giúp Hà Nội phát triển theo hướng bài bản, khoa học hơn. Đây chính là nền tảng của một đô thị thông minh.