Nông nghiệp sạch

Hà Nội đẩy mạnh quan trắc, cảnh báo môi trường trong nuôi trồng thủy sản

Thứ sáu, 26/2/2021 | 12:59 GMT+7
Mới đây, UBND thành phố Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 46/KH-UBND ngày 23/2/2021 về quan trắc, cảnh báo môi trường trong nuôi trồng thủy sản trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2021 - 2025.

Theo đó, Kế hoạch đặc biệt nhấn mạnh đến việc hướng dẫn, tuyên truyền nâng cao nhận thức về quản lý chất lượng nước trong nuôi trồng thủy sản. Trong đó, đối tượng được tập huấn, tham gia hội thảo sẽ gồm người nuôi thủy sản, cán bộ thú y, thủy sản cấp xã. Các buổi tập huấn, hội thảo sẽ liên quan đến thông số cơ bản và các yếu tố ảnh hưởng đến chất lượng nước trong nuôi trồng thủy sản; các biện pháp quản lý, kiểm soát chất lượng nước trong ao nuôi, bể nuôi thủy sản, các biện pháp xử lý khi môi trường nước nuôi thủy sản bị ô nhiễm; hướng dẫn trong công tác sử dụng các test nhanh về môi trường nước, máy đo môi trường...

Thời gian tập huấn là vào mùa vụ sản xuất chính hoặc vào thời điểm giao mùa, thời điểm xảy ra dịch bệnh. Tổng số lớp tập huấn, hội thảo dự kiến 50 lớp (50 người/lớp).

Quan trắc chất lượng nước trong nuôi trồng thủy sản ở Hà Nội

Trong công tác quan trắc, cảnh báo môi trường nuôi trồng thủy sản, các cán bộ sẽ tập trung vào vùng nuôi các đối tượng thủy sản chủ lực của thành phố như: cá chép, trắm cỏ, rô phi và các đối tượng có giá trị khác. Các huyện Ứng Hòa, Phú Xuyên, Mỹ Đức, Ba Vì, Thanh Oai, Quốc Oai, Phúc Thọ, Chương Mỹ, Thường Tín và các vùng nuôi thủy sản khác có nguy cơ ô nhiễm môi trường trên địa bàn thành phố sẽ là địa điểm tiến hành quan trắc.

Về quan trắc môi trường, Kế hoạch nêu rõ cần tập trung tại các vùng nuôi tập trung, trọng điểm, tại những nơi thường xảy ra dịch bệnh hoặc có nguy cơ ô nhiễm môi trường; vùng nuôi có diện tích từ 10ha trở lên đối với nuôi thâm canh và bán thâm canh, từ 200ha trở lên đối với các vùng nuôi khác. Quan trắc, cảnh báo môi trường phải được thực hiện thường xuyên, liên tục và có hệ thống nhằm phát hiện những yếu tố có nguy cơ tác động xấu đến môi trường nuôi trồng thủy sản. Từ đó có biện pháp quản lý, chỉ đạo sản xuất, cảnh báo kịp thời, có biện pháp phòng tránh, giảm thiểu thiệt hại do môi trường gây ra để phát triển nuôi trồng thủy sản bền vững, hiệu quả.

Kết quả quan trắc sẽ được Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cập nhật, xử lý và thông báo, hướng dẫn đến UBND các huyện có điểm quan trắc môi trường và được cảnh báo kịp thời đến người nuôi bằng nhiều hình thức khác nhau. Sở cũng sẽ thiết lập cơ sở dữ liệu về quan trắc, cảnh báo môi trường cho các vùng nuôi trồng thủy sản được giám sát theo quy định.

Thanh Bảo