Quy hoạch, xây dựng

Hải Phòng: Hơn 6,4 nghìn tỷ đồng được đầu tư để xây dựng cảng biển

Thứ tư, 29/9/2021 | 17:51 GMT+7
NLSVN - Công ty CP Tập đoàn Hateco sẽ đầu tư trên 6.425 tỷ đồng để xây dựng 1 tổ hợp cảng biển để tiếp, nhận và lưu giữ hàng hóa với tổng diện tích gần 50 ha tại khu vực cảng quốc tế Lạch Huyện nằm trên đảo Cát Hải thuộc huyện Cát Hải, thành phố Hải Phòng.

Công ty cổ phần Tập đoàn Hateco đã chính thức được thành phố Hải Phòng cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư.

Đây là dự án đã được Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư thông qua Quyết định số 299/QĐ-TTg ngày 4/3/2021 và cũng là dự án nằm trong danh mục các bến cảng 1A được ưu tiên phát triển kết cấu hạ tầng của Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021 – 2030 tầm nhìn đến 2050.

Tổ hợp này bao gồm: 2 bến cảng biển có tổng chiều dài cầu tàu là 750m, đủ năng lực tiếp nhận các loại tàu chở container có trọng tải lên đến 100.000 DWT (tương đương sức chở 8.000 Teus); 1 bến sà lan có thể tiếp nhận được tàu, sà lan có sức chở 48 Teus để phục vụ cho việc kết nối, vận tải hàng hóa 2 chiều từ cảng biển đến các địa phương bằng đường thủy nội địa, đồng thời xây dựng hệ thống kho bãi để lưu giữ, chia tách hàng hóa và các công trình dịch vụ hậu cần sau cảng...

Theo tính toán của chủ đầu tư, khi đưa vào khai thác 2 bến cảng này có thể đạt công suất từ 25 - 27 triệu tấn hàng hóa/năm và giải quyết được hơn 600 việc làm cho người lao động.

Ông Hoàng Đình Tuấn – Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn Hateco, cho biết phát triển kinh tế biển trong đó ưu tiên đầu tư phát triển ngành cảng biển và dịch vụ logistics được Hateco xác định là hướng đi chiến lược. Với dự án này, Hateco xác định là sự đầu tư dài hơi, đầu tư để khai thác, vận hành chứ không đơn thuần là thương vụ đầu tư tài chính, do vậy Hateco sẽ tập trung nguồn lực để sớm đưa dự án vào khai thác trong năm 2025.

Được biết, trên địa bàn Hải Phòng hiện có trên 40 cảng biển, tuy nhiên những cảng biển có đủ năng lực tiếp nhận tàu 100.000 DWT (đủ tải) trở lên  không nhiều. Nên việc Hateco đầu tư vào phân khúc cảng biển nước sâu được nhiều chuyên gia đánh giá là đi đúng với xu thế, bởi càng tiến ra xa thì cảng càng có độ sâu để đón được những con tàu lớn, chạy biển tuyến xa, khi đó hàng hóa sẽ được thu gom trực tiếp không phải qua các cảng trung chuyển, tiết kiệm được chi phí logistics, chi phí nạo vét luồng lạch so với các cảng nằm sâu trong nội địa, đồng thời sẽ nâng cao được mức phí cập cảng do qui định: tàu càng to thì mức phí thu càng lớn.

 

PV