Nông nghiệp sạch

Hạn chế tình trạng đốt rơm rạ nhờ sử dụng vi sinh vật phân hủy

Thứ năm, 14/4/2022 | 14:33 GMT+7
Các chuyên gia nông nghiệp khuyến cáo nên sử dụng vi sinh vật để phân hủy rơm rạ thay vì đốt trực tiếp trên đồng ruộng gây ô nhiễm môi trường và phá hủy hệ sinh vật dưới đất.

Theo GS Võ Tòng Xuân, Hiệu trưởng danh dự trường Đại học Nam Cần Thơ, thực trạng đồng ruộng hiện nay do nông dân canh tác lúa sử dụng nhiều loại phân bón hóa học khiến đất bị chai. Theo thời gian, mỗi năm bà con nông dân bón thêm phân hóa học, đất bị chua dần khiến các loài vi sinh vật có ích trong đất bị tiêu hủy dần. Để cải tạo cho đất quay lại đúng trạng thái ban đầu, việc bổ sung hữu cơ như rơm rạ kết hợp sử dụng men vi sinh để tác động vào hệ thống sinh lý của cây lúa là rất cần thiết.

Mặt khác, người nông dân từ nhiều đời nay đã có thói quen đốt rơm rạ sau mỗi vụ mùa. Với quan niệm việc đốt rơm rạ sẽ góp phần tiêu diệt mầm bệnh hay côn trùng gây hại còn lưu tồn trên ruộng lúa ở vụ trước. Tuy nhiên, những hệ lụy như loại bỏ luôn những nhóm vi sinh vật và thiên địch có lợi, gây ô nhiễm môi trường không khí và gây cản trở giao thông do khói bụi dày đặc lại không được quan tâm đến.

Ông Võ Tòng Xuân nhận định: Sử dụng men vi sinh để xử lý rơm rạ là giải pháp thông minh, rẻ tiền, giúp nông dân khôi phục lại tình trạng màu mỡ của đất cũng như hạn chế được các hệ lụy từ việc đốt rơm rạ gây ra.

Sử dụng chế phẩm vi sinh để xử lý rơm rạ giúp phục hồi chất lượng đất và góp phần bảo vệ môi trường

Trưởng phòng Vi sinh nông nghiệp, Trung tâm Nông nghiệp hữu cơ, Học viện Nông nghiệp Việt Nam Bùi Thị Hồng Hà cho biết: chế phẩm vi sinh Emuniv là lựa chọn tối ưu, uy tín để giải quyết tình trạng này. Theo bà, Emuniv ra đời với sự nghiên cứu của Bộ Khoa học và Công nghệ từ năm 2000. Với những cải tiến mới, chế phẩm phù hợp với đất lúa và đặc biệt là đất ở vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) với tình trạng canh tác 3 vụ. Với việc áp dụng chế phẩm vi sinh Emuniv, vấn đề xử lý nhanh rơm rạ đã được giải quyết, không cần thời gian nghỉ gối vụ. Đây là điểm khác biệt và chưa có dòng vi sinh vật nào trên thị trường có thể đáp ứng được.

Emuniv là chế phẩm của đề tài cấp nhà nước "Nghiên cứu tái sử dụng rác thải hữu cơ làm thức ăn chăn nuôi và phân bón hữu cơ bằng công nghệ vi sinh vật" và đề tài khoa học đặc biệt “Nghiên cứu bản chất vi sinh vật trong chế phẩm EM và nghiên cứu sản xuất EM tại Việt Nam”.

Năm 2018, Trung tâm Nông nghiệp hữu cơ thuộc Học viện Nông nghiệp Việt Nam tiến hành chọn lựa công nghệ và nghiên cứu ứng dụng thử nghiệm, triển khai nhân rộng phương pháp mới xử lý nhanh rơm rạ tại ruộng bằng chế phẩm vi sinh vật Emuniv.

Mô hình đã và đang được triển khai tại nhiều địa phương trong cả nước như Thanh Hóa, Hà Nội, Thái Nguyên… Tại ĐBSCL, Hậu Giang và An Giang là hai địa phương đang thực hiện hiệu quả giải pháp xử lý rơm rạ tại ruộng bằng Emuniv trên diện tích hơn 130ha.

Thời gian qua, việc chuyển giao mô hình sử dụng chế phẩm vi sinh Emuniv để xử lý nhanh rơm rạ, tạo nguồn phân bón hữu cơ cho đất của Trung tâm Nông nghiệp hữu cơ đã mang lại nhiều kết quả khả quan. Mô hình đã giảm được lượng phân bón từ 30 - 50% so với tập quán canh tác thông thường. Số lần phun thuốc bảo vệ thực vật cũng giảm tới 30 - 50% nếu kết hợp sạ thưa bằng máy sạ cụm.

Cách phối trộn sản phẩm đơn giản. Đối với miền Bắc, trộn đều chế phẩm Emuniv với đất bột rồi rắc đều lên rơm, rạ trên ruộng đã tháo kiệt nước, dùng máy phay vùi dập rơm rạ xuống, để phơi lộ ruộng 10 ngày, phay ruộng kỹ, ruộng nhuyễn bùn, sạch cỏ, bằng phẳng. Sau đó, để ruộng lắng bùn 1 – 2 ngày rồi tiến hành gieo sạ.

Đối với ĐBSCL, sản xuất gối 3 vụ một năm, vi sinh xử lý rơm rạ nên được đưa xuống ruộng cùng lúc với thời điểm có máy xuống ruộng làm đất hoặc cùng lúc gieo sạ cho tiện.

Lâm Bảo (T/H)