Nông nghiệp sạch

Phát triển ngành nuôi nhuyễn thể bền vững, chất lượng

Thứ năm, 7/4/2022 | 12:11 GMT+7
Với những lợi thế tự nhiên trong việc nuôi nhuyễn thể, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đang tích cực phát triển ngành nhuyễn thể bền vững có giá trị kinh tế cao, phục vụ xuất khẩu và tiêu dùng trong nước.

Theo Tổng cục Thủy sản, năm 2021, tổng sản lượng nhuyễn thể ước đạt trên 300.000 tấn, nhuyễn thể 2 mảnh vỏ đã xuất sang trên 67 thị trường trên thế giới với kim ngạch đạt trên 125 triệu USD, tăng trên 20% so với năm 2020. Nhiều đối tượng nhuyễn thể có giá trị kinh tế cao, có thể kể đến như ngao, hàu, sò điệp, ốc hương, ốc nhảy, sò huyết, tu hài...

Hiện nhiều địa phương, hợp tác xã, người dân đã chủ động được công nghệ sản xuất giống nhiều đối tượng nhuyễn thể chủ lực, kết hợp chế biến trên trang thiết bị công nghệ hiện đại, đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm và có thể truy xuất nguồn gốc rõ ràng.

Phát biểu tại diễn đàn Phát triển ngành nhuyễn thể bền vững tại Nam Định ngày 6/4, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến đánh giá cao vai trò của ngành hàng này trong sự phát triển của ngành thủy sản nói riêng và ngành nông nghiệp nói chung.

Theo Thứ trưởng, nghề nuôi nhuyễn thể đã góp phần quan trọng trong phát triển kinh tế, góp phần xóa đói giảm nghèo và cải thiện đời sống người dân các vùng ven biển.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến khảo sát tại vùng nuôi nhuyễn thể bền vững ở Nam Định

Tuy nhiên, bà Đặng Thị Lụa, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản 1 cho biết, mặc dù đem lại nhiều lợi nhuận nhưng nghề nuôi nhuyễn thể, đặc biệt nuôi ngao, hàu, sò điệp... hiện đối mặt với nhiều khó khăn như nguồn lợi suy giảm, chất lượng con giống không ổn định dẫn đến tỷ lệ hao hụt cao; nhiều nơi, nhiều vùng sản xuất sản phẩm không đảm bảo kích cỡ, tỉ lệ thịt/vỏ thấp do con giống có dấu hiệu thoái hóa nguồn gen, mật độ thả nuôi quá nhiều dẫn đến việc tiêu thụ gặp khó khăn.

Bên cạnh đó, tác động của ô nhiễm môi trường và biến đổi khí hậu, đòi hỏi về chất lượng an toàn thực phẩm. Đặc biệt hiện tượng ngao, hàu, tu hài chết hàng loạt trong những năm gần đây gây nhiều thiệt hại cho người nuôi.

Năm 2022, ngành hàng nhuyễn thể được dự báo tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức như nguồn lợi suy giảm, chất lượng con giống không ổn định, đòi hỏi về chất lượng an toàn thực phẩm ngày càng cao của thị trường...

Theo Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Nam Định Hoàng Thị Tố Nga, tỉnh đã triển khai Chương trình kiểm soát an toàn thực phẩm trong thu hoạch nhuyễn thể hai mảnh vỏ từ năm 2009. Hiện 2 vùng nuôi của Nam Định được phép thu hoạch và cung cấp nguyên liệu cho chế biến xuất khẩu. Thời gian tới, Nam Định tiếp tục đẩy mạnh việc củng cố phát triển chuỗi liên kết nuôi và tiêu thụ ngao an toàn theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững; mở rộng vùng nuôi ngao bền vững được chứng nhận theo tiêu chuẩn ASC; ứng dụng công nghệ khoa học mới để phát triển chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ ngao trên địa bàn.

Nhận diện rõ những khó khăn, vướng mắc của ngành nuôi nhuyễn thể, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến giao Tổng cục Thủy sản tổ chức triển khai có hiệu quả các quy định của Luật Thủy sản năm 2017 trong sản xuất giống, nuôi thương phẩm các đối tượng nhuyễn thể có giá trị kinh tế; tổ chức thực hiện nhiệm vụ quản lý điều kiện nuôi trồng thủy sản, quan trắc môi trường nuôi trồng thủy sản vùng nuôi nhuyễn thể.

Ngoài ra, đơn vị còn có nhiệm vụ tổng hợp, nhân rộng các mô hình liên kết, hợp tác hiệu quả trong ngành hàng nhuyễn thể; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý và chuyển giao khoa học công nghệ sản xuất giống các đối tượng nhuyễn thể có giá trị kinh tế cao.

Với Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, Thứ trưởng yêu cầu đơn vị chủ động, thường xuyên đánh giá diễn biến thị trường, đề xuất giải pháp, kịp thời thông tin để người dân biết, có kế hoạch sản xuất phù hợp; chủ động xác định các sản phẩm nhuyễn thể chế biến có giá trị, phù hợp với thị hiếu vào các hoạt động xúc tiến thương mại. 

Với Cục Thú y, Cục Quản lý chất lượng nông lâm và thủy sản, cần tăng cường kiểm dịch, kiểm soát dịch bệnh trong sản xuất giống, nuôi thương phẩm, kiểm soát chất lượng, an toàn thực phẩm. Đây là cơ sở để xây dựng, phát triển cơ sở, vùng sản xuất giống, nuôi nhuyễn thể an toàn dịch bệnh, đảm bảo truy xuất nguồn gốc sản phẩm.

Về phía địa phương, doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng và người dân, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT đề nghị tiếp tục đánh giá và bổ sung các vùng nuôi dưỡng phù hợp với tiêu chuẩn MSC. Bên cạnh đó, các cơ sở cần hợp tác, liên kết sản xuất theo chuỗi để giảm khâu trung gian, giảm giá thành sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm; đồng thời áp dụng các hình thức nuôi có chứng nhận (VietGAP, GlobalGAP, ASC…) để nâng cao giá trị sản phẩm.

Việt Nga (T/H)