Năng lượng tái tạo

Hậu Giang mong muốn phát triển nguồn năng lượng tái tạo

Thứ năm, 18/3/2021 | 15:00 GMT+7
Ngày 17/3, UBND tỉnh Hậu Giang có công văn gửi Bộ Công Thương góp ý về Dự thảo Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2045 (Dự thảo Quy hoạch điện VIII).

Theo đó, ngày 9/2/2021, Bộ Công Thương có công văn số 828/BCT-ĐL xin góp ý về Dự thảo Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia, giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2045 (Dự thảo Quy hoạch điện VIII). Sở Công Thương tỉnh Hậu Giang và các đơn vị có liên quan cơ bản thống nhất, tuy nhiên cũng có một số ý kiến đóng góp.

Cụ thể, sau khi nghiên cứu và rà soát Dự thảo Quy hoạch điện VIII, Sở Công Thương tỉnh Hậu Giang nhận thấy, trong giai đoạn 2021 - 2030, Dự thảo vẫn đẩy mạnh phát triển điện than, nhất là than nhập khẩu. Điều này đi ngược với chủ trương ưu tiên khai thác, sử dụng nguồn năng lượng tái tạo và phát huy lợi thế từng vùng, địa phương trong Nghị quyết số 55-NQ/TW ngày 11/2/2020 của Bộ Chính trị về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và không phù hợp với định hướng phát triển chung của vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) theo Nghị quyết số 120/NQ-CP ngày 17/11/2017 của Chính phủ về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu. 

Tỉnh Hậu Giang có lợi thế lớn trong phát triển năng lượng tái tạo

Theo đó, công văn góp ý của tỉnh Hậu Giang nêu rõ, Hậu Giang là một trong những trung tâm lúa gạo của miền Tây, có thế mạnh về cây lúa, cây ăn quả các loại, có nguồn thủy sản phong phú. Ngoài ra, một trong hai trụ cột quan trọng trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV đề ra là phát triển nông nghiệp bền vững. Trong khi đó, trên địa bàn tỉnh Hậu Giang hiện có: dự án điện than Sông Hậu I có công suất (2x600MW) đang vận hành thương mại; Sông Hậu II có công suất (2x1000MW) đã hoàn thiện hợp đồng BOT; Sông Hậu III có công suất (2x1000MW) đang đề xuất đưa vào Quy hoạch điện lực VII hiệu chỉnh. Vì vậy, kế hoạch phát triển dự án nhiệt điện Sông Hậu III tại Hậu Giang sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến lợi thế và cản trở nhiệm vụ trụ cột của địa phương.

Mặt khác, theo Dự thảo Quy hoạch điện VIII, Hậu Giang được xác định có tiềm năng phát triển năng lượng tái tạo với tổng công suất 10.397MW gồm: điện mặt trời áp mái đóng góp 468MW, điện mặt trời mặt đất là 5.129MW, điện gió trên bờ là 4.704MW, điện sinh khối là 96MW. Với tiềm năng như trên, tỉnh hoàn toàn có thể phát triển năng lượng tái tạo mà không tổn hại đến môi trường, sức khỏe người dân và phát triển nông nghiệp bền vững.

UBND tỉnh Hậu Giang cũng chỉ ra rằng, tỉnh thuộc vùng Nam Bộ nên có tiềm năng rất lớn trong lĩnh vực năng lượng tái tạo. Nhưng trong Dự thảo Quy hoạch điện VIII giai đoạn 2021 - 2030 vẫn sẽ giữ nguyên công suất điện mặt trời (gồm cả áp mái) là 6.700MW, điện gió 7.430MW và điện sinh khối là 1.000MW, công suất này rất nhỏ so với tiềm năng của khu vực.

Do đó, để các doanh nghiệp và cá nhân trên địa bàn tỉnh Hậu Giang nói riêng và ĐBSCL nói chung khai thác được tiềm năng lợi thế về năng lượng tái tạo sẵn có, nắm bắt được cơ hội tăng danh thu từ phát triển điện mặt trời mái nhà đấu nối vào lưới điện để phục vụ cho nông nghiệp và dư thừa để bán, Sở Công Thương Hậu Giang đề nghị phát triển nguồn năng lượng tái tạo trong giai đoạn 2021 – 2030 tăng cao hơn so với Dự thảo.

Bên cạnh đó, tiềm năng điện rác trên địa bàn tỉnh Hậu Giang là 3,31MW, đã được Thủ tướng Chính phủ thống nhất bổ sung vào Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia tại công văn số 211/TTg-CN ngày 18/2/2019. UBND tỉnh cũng đề nghị Bộ Công Thương cập nhật vào Dự thảo Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Khả Di