Kinh tế xanh

Hợp tác phát triển bền vững nông nghiệp, đảm bảo sinh kế cho cộng đồng yếu thế

Thứ tư, 18/5/2022 | 15:20 GMT+7
Mới đây, biên bản ghi nhớ đặc biệt về phát triển bền vững nông nghiệp, đảm bảo sinh kế cho nông dân, đặc biệt là phụ nữ và người dân tộc thiểu số đã được ký kết dưới sự chứng kiến của đại diện Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Cụ thể, đại diện Quỹ Pepsi Foundation, Văn phòng Đối tác phát triển bền vững nông nghiệp Việt Nam (PSAV), Cơ quan Khuyến nông quốc gia (NAEC) và CARE đã ký biên bản ghi nhớ đặc biệt (MoU) mở đường cho việc triển khai dự án "Tôi vui gieo – She Feeds The World" tại Việt Nam (SFtW Việt Nam).

Dự án hướng tới đảm bảo nông dân sản xuất quy mô nhỏ ở Tây Nguyên, đặc biệt là phụ nữ và người dân tộc thiểu số phát triển sinh kế an toàn và bền vững, đảm bảo lương thực, dinh dưỡng và an ninh nguồn nước.

SFtW Việt Nam sẽ giải quyết vấn đề này bằng cách nâng cao năng lực của nông dân trong việc áp dụng các thực hành nông nghiệp bền vững, cải thiện năng suất và sản lượng, đồng thời tăng cường năng lực tiếp cận và kiểm soát các nguồn lực sản xuất, đặc biệt là của phụ nữ.

Các hoạt động của dự án sẽ góp phần chuyển đổi nhận thức về các khuôn mẫu giới trong xã hội, giải quyết tình trạng phân biệt đối xử và tạo điều kiện giúp phụ nữ tiếp cận thị trường nhiều hơn.

SFtW Việt Nam sẽ hỗ trợ phát triển nông nghiệp bền vững, đảm bảo lương thực, tăng cường năng lực tiếp cận cho các cộng đồng yếu thế

Ông Sudipto Mozumdar, Tổng giám đốc Công ty PepsiCo Thực phẩm - khu vực Đông Dương đánh giá: Dự án SFtW phù hợp với chiến lược nông nghiệp tích cực của PepsiCo tại Việt Nam, thông qua nhân rộng các phương pháp tái tạo để phục hồi trái đất trên toàn bộ khu vực sản xuất nông nghiệp của công ty, kiến tạo vùng nguyên liệu và nông sản bền vững, cải thiện sinh kế của người dân trong chuỗi cung ứng nông sản.

PepsiCo tin rằng, với mục tiêu tạo ra những thay đổi trên cả ba khía cạnh: kinh tế, xã hội và môi trường, SFtW sẽ nâng cao năng lực cho nông dân, cải thiện phương thức canh tác, tăng năng suất, đa dạng hóa các loại hình sinh kế, từ đó tạo ra thu nhập bền vững hơn và có tích lũy cho tương lai. Trên khía cạnh xã hội, dự án sẽ thúc đẩy khả năng tiếp cận công bằng hơn với tri thức, nguồn lực và thị trường cho những nông dân dễ bị tổn thương.

SFtW tại Việt Nam sẽ được triển khai tại ba tỉnh Tây Nguyên là Lâm Đồng, Gia Lai và Đắk Lắk, dự kiến sẽ tác động tích cực đến khoảng 160.000 người (60% là phụ nữ) trong ba năm kể từ năm 2022, giải quyết các vấn đề về đất, nước, đa dạng sinh học để giảm thiểu tác động đến hệ sinh thái tự nhiên.

Nhận xét về dự án, Giám đốc quốc gia CARE quốc tế tại Việt Nam Lê Kim Dung cho biết: SFtW Việt Nam được xây dựng trên khuôn khổ SFtW toàn cầu của CARE và kinh nghiệm từ các chương trình phát triển trong hơn 30 năm của CARE tại Việt Nam.

Dự án sẽ góp phần thúc đẩy bình đẳng giới trong ngành nông nghiệp, đặc biệt là trong giai đoạn thứ hai của Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển nông thôn mới. Dự án cũng thể hiện cam kết của CARE và PepsiCo đối với quan hệ đối tác công tư vì sự phát triển nông nghiệp bền vững ở Việt Nam.

Tại Tây Nguyên, SFtW Việt Nam được thiết kế phù hợp với Kế hoạch tái cơ cấu ngành nông nghiệp (2021 - 2025) của Chính phủ Việt Nam. Kế hoạch này tập trung vào phát triển nông nghiệp bền vững cũng như nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng và sức cạnh tranh của nông sản địa phương.

Bà Gloria Steele, Giám đốc điều hành của CARE Hoa Kỳ nhấn mạnh: “Quan hệ đối tác toàn cầu trong chương trình SFtW của CARE với PepsiCo đang mở rộng tại Việt Nam có ý nghĩa quan trọng. Chúng tôi đánh giá cao sự tham gia của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn với chương trình. Sự đồng hành và hợp tác của các đối tác từ Chính phủ là chìa khóa cho sự phát triển bền vững và quy mô tác động của các chương trình”.

Tây Nguyên là trung tâm nông nghiệp lớn, sản xuất cây lương thực chủ lực tại Việt Nam. Tuy nhiên, hệ thống sản xuất nông nghiệp trong khu vực đang phải đối mặt với nhiều vấn đề nghiêm trọng về môi trường, kinh tế và xã hội, bao gồm các hoạt động nông nghiệp không bền vững và liên kết thị trường yếu.

Việc lạm dụng thuốc trừ sâu, phân bón và nguồn nước đang làm giảm năng suất của đất. Nông dân bán sản phẩm cho thương lái tại địa phương nhưng thông tin thị trường và khả năng thương lượng còn hạn chế, khiến thu nhập thấp. Những điều này đặc biệt ảnh hưởng đến cuộc sống của phụ nữ và người dân tộc thiểu số.

SFtW Việt Nam là một dự án thuộc chương trình toàn cầu “She Feeds the World” của CARE và PespsiCo, được triển khai ở nhiều quốc gia trên thế giới. Chương trình là một phần trong nỗ lực rộng lớn nhằm giúp xây dựng các hệ thống thực phẩm bền vững, thông qua việc nâng quyền của phụ nữ trong các chuỗi cung ứng nông sản.

Dự án này được thực hiện với sự đồng hành của chiến lược nông nghiệp bền vững của PepsiCo, hiện đang triển khai ở 38 quốc gia.

Linh Giang (T/H)