Kinh tế xanh

Hợp tác thả giống tái tạo nguồn lợi thủy sản khu vực ven biển vịnh Bắc Bộ

Thứ tư, 18/5/2022 | 14:04 GMT+7
Ngày 18/5, tại bán đảo Tuần Châu (thành phố Hạ Long), Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Việt Nam, Bộ Nông nghiệp Nông thôn Trung Quốc và UBND tỉnh Quảng Ninh tổ chức Lễ thả giống tái tạo nguồn lợi thủy sản khu vực ven biển vịnh Bắc Bộ năm 2022.

Hoạt động thả giống tái tạo nguồn lợi thủy sản khu vực vịnh Bắc Bộ nằm trong khuôn khổ thực hiện bản ghi nhớ về triển khai hợp tác thả giống và bảo vệ nguồn lợi thủy sản trong vịnh Bắc Bộ được ký giữa Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Việt Nam và Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp Nông thôn Trung Quốc nhân chuyến thăm của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng tới Trung Quốc năm 2017.

Theo đó, từ năm 2017 đến nay, hai bên đã phối hợp tổ chức thành công 4 lần hoạt động thả giống tái tạo chung trong vịnh Bắc Bộ. Năm nay, do ảnh hưởng của tình hình dịch bệnh Covid-19 nên hai bên phối hợp tổ chức buổi lễ thả giống tái tạo nguồn lợi thủy sản tại cùng một thời điểm trong vùng biển thuộc khu vực vịnh Bắc Bộ của mỗi nước và ghi hình buổi lễ với bài phát biểu của đại biểu các bên.

Tại Việt Nam, hoạt động thả giống tái tạo nguồn lợi thủy sản là hoạt động được các địa phương trên cả nước quan tâm chỉ đạo và tổ chức thực hiện hàng năm, tập trung vào Ngày truyền thống ngành thủy sản (1/4).

Hoạt động thả giống tái tạo nguồn lợi thủy sản tại bán đảo Tuần Châu, thành phố Hạ Long

Theo kế hoạch, trong năm 2022, Việt Nam tổ chức thả hơn 53 triệu con và 150.000kg giống thủy sản các loại vào thủy vực tự nhiên nhằm tái tạo nguồn lợi thủy sản, trong đó có nhiều loài thủy sản nguy cấp, quý hiếm, có giá trị kinh tế như cá trà sóc, cá thát lát cườm, cá he vàng, cá lăng, cá bỗng, cá mú chấm đen, tôm sú, cua xanh… Trong 4 tháng đầu năm 2022, Việt Nam đã thả được tổng số hơn 36 triệu con và 60.000kg giống thủy sản các loại.

Tại buổi lễ, các đại biểu tham dự đã thả hơn 8 triệu con giống thủy sản có giá trị kinh tế bao gồm: tôm sú, cua xanh, cá song, cá vược được chuẩn bị từ nguồn kinh phí của Quỹ hợp tác Trung Quốc - châu Á ra khu vực ven biển vịnh Bắc Bộ. Hoạt động góp phần phục hồi, tái tạo nguồn lợi thủy sản và phát triển nghề cá trong khu vực vịnh, đồng thời thắt chặt mối quan hệ hợp tác hữu nghị, truyền thống tốt đẹp của ngành nông nghiệp và người dân hai nước Việt - Trung.

Nhân dịp này, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Việt Nam Phùng Đức Tiến đề nghị hai nước tiếp tục có những hoạt động hợp tác chung trong lĩnh vực bảo vệ và tái tạo nguồn lợi thủy sản nhằm bảo vệ và khôi phục nguồn lợi thủy sản chung trong vịnh Bắc Bộ, cũng như trong lĩnh vực nông nghiệp, thủy sản của hai bên; giao cơ quan chịu trách nhiệm thực hiện bản ghi nhớ hợp tác của hai bên tổ chức tổng kết, đánh giá kết quả triển khai bản ghi nhớ hợp tác giai đoạn 2017 - 2019 và 2020 - 2022, xây dựng kế hoạch cụ thể triển khai giai đoạn tiếp theo.

Quảng Ninh có vị trí địa chính trị đặc biệt quan trọng; có đường biên giới đất liền 118,825km và 191km trên biển với Trung Quốc; cửa khẩu quốc tế Móng Cái, 3 khu kinh tế cửa khẩu và 4 cảng trên biển giúp Quảng Ninh trở thành một trong các trung tâm trung chuyển hàng hóa xuất khẩu của miền Bắc sang thị trường Trung Quốc và quốc tế. Đây là tiềm năng, lợi thế nổi trội, tạo tiền đề để ngành thủy sản Quảng Ninh trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, góp phần quan trọng nhằm phát triển ngành nông nghiệp đất mỏ. Vì vậy, hoạt động hợp tác với Trung Quốc trong thả giống tái tạo nguồn lợi thủy sản khu vực ven biển vịnh Bắc Bộ luôn được tỉnh chú trọng để tăng cường phát triển ngành thủy sản địa phương.

Mỹ Dung