Nông nghiệp sạch

Hợp tác phát triển nông nghiệp bền vững giữa Đan Mạch và Việt Nam

Thứ tư, 17/8/2022 | 11:20 GMT+7
Ngày 17/8, tại Hà Nội, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) phối hợp với Đại sứ quán Đan Mạch tại Việt Nam tổ chức buổi trao đổi cơ hội hợp tác và kinh nghiệm sản xuất, xuất khẩu trong lĩnh vực nông nghiệp và an toàn thực phẩm.

Buổi trao đổi nhằm khôi phục mối quan hệ hợp tác lâu dài giữa hai quốc gia trong lĩnh vực nông lâm thủy sản, nhất là thực phẩm sau gần 2 năm bị gián đoạn bởi đại dịch Covid-19. Đồng thời chia sẻ kinh nghệm phát triển nông nghiệp, thực phẩm bền vững của doanh nghiệp Đan Mạch cho Việt Nam.

Tại buổi làm việc, đoàn doanh nghiệp Đan Mạch về nông nghiệp, thực phẩm đã chia sẻ nhiều kinh nghiệm, định hướng phát triển nông nghiệp bền vững. Cụ thể, 13 công ty đi đầu trong lĩnh vực giải pháp chăn nuôi và sản xuất thực phẩm, công nghệ chế biến thực phẩm, nguyên liệu và giải pháp điều tiết nhiệt độ của Đan Mạch đã chia sẻ kinh nghiệm, giới thiệu các giải pháp hàng đầu thế giới về sản xuất nông nghiệp, thực phẩm cho các doanh nghiệp Việt Nam.

Ông Troels Vensild, Trưởng bộ phận hợp tác quốc tế, Cục Thú ý và Thực phẩm Đan Mạch chia sẻ, nhiều năm qua, các công ty nông nghiệp, thực phẩm Đan Mạch đã không ngừng đầu tư vào các thiết bị và giải pháp sản xuất mới nhằm thúc đẩy sản lượng và nâng cao chất lượng sản phẩm, nhưng cũng giúp tiết kiệm nước tưới tiêu và năng lượng.

Hiện tại, ngành nông nghiệp đã sản xuất được lượng lương thực nhiều gấp ba lần lượng mà dân số Đan Mạch có thể tiêu thụ, với lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính thấp nhất châu Âu. Từ kinh nghiệm quý giá này, các công ty và chuyên gia Đan Mạch sẵn sàng chia sẻ với đối tác Việt Nam, cũng như tìm kiếm cơ hội hợp tác và cùng kinh doanh hiệu quả, bền vững.

Những lĩnh vực mà đoàn doanh nghiệp Đan Mạch chia sẻ tại buổi làm việc đều rất quan trọng, giúp phát triển sản xuất nông nghiệp, thực phẩm theo hướng hiệu quả cao, xanh và bền vững.

Đoàn doanh nghiệp Đan Mạch trao đổi với Bộ NN&PTNT về phát triển nông nghiệp bền vững

Cụ thể, ông Troels Vensild chia sẻ tính bền vững của ngành thực phẩm Đan Mạch với kinh nghiệm là một trong những nhà sản xuất thực phẩm tiên phong và bền vững nhất thế giới. Theo ông, chuyển đổi xanh là chìa khóa để các công ty Đan Mạch xuất khẩu các sản phẩm bền vững, tiết kiệm tài nguyên. Bên cạnh đó, duy trì quan hệ hợp tác chặt chẽ giữa các doanh nghiệp, đối tác công tư để tối ưu hóa nguồn lực trong chuỗi sản xuất cũng cần được lưu tâm.

Để hài hòa giữa vấn đề khí hậu với phát triển bền vững trong xuất khẩu nông sản thực phẩm, phía Đan Mạch cho biết doanh nghiệp luôn thực hiện tốt các khuôn khổ hợp tác với Tổ chức Thương mại thế giới và Liên minh châu Âu; bảo toàn quan hệ hợp tác với các thị tường hiện có song song với phát triển thị trường mới; phát triển hợp tác giữa Chính phủ Đan Mạch với Chính phủ các nước liên quan để xúc tiến xuất khẩu; đàm phán chứng nhận thực phẩm, thức ăn chăn nuôi đạt chuẩn chất lượng…

Tại sự kiện, ông Đinh Phạm Hiền, Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ NN&PTNT cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của quan hệ đối tác giữa các bên trong phát triển nông nghiệp bền vững. Ông cho biết: Đối tác phát triển nông nghiệp bền vững sẽ tập trung vào kết nối các tác nhân trong ngành nông nghiệp để chia sẻ kinh nghiệm, cùng nhau hợp tác phát triển chuỗi giá trị các mặt hàng chủ lực của Việt Nam theo hình thức đối tác công tư, từ đó tăng năng suất lao động, hỗ trợ thu nhập cho người dân, cải thiện tính bền vững về môi trường trong sản xuất nông nghiệp.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến đánh giá, chương trình hợp tác Việt Nam – Đan Mạch trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp và thực phẩm có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển của ngành nông nghiệp Việt Nam. Các cơ quan nhà nước, các doanh nghiệp Việt Nam có thể học hỏi kinh nghiệm từ đối tác Đan Mạch và áp dụng chúng trong bối cảnh ngành nông nghiệp Việt Nam đang nỗ lực phát triển theo chuỗi giá trị và sản xuất bền vững, hướng tới mục tiêu nền nông nghiệp thông minh, chất lượng cao.

Thanh Bảo