Tại hội nghị, sau khi phân tích tính cấp thiết của việc xây dựng Bộ chỉ tiêu giám sát thực hiện Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết: “Một trong những định hướng quan trọng của Chiến lược là chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp. Do đó, hệ thống các chỉ tiêu phải được thay đổi để có thể đo lường được kết quả của sự chuyển dịch đó”.
Theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, Nhật Bản là quốc gia đầu tiên trên thế giới công bố số liệu báo cáo từ GDP bình thường sang GDP xanh (còn gọi là tổng sản phẩm trong nước xanh). Đây là cách tiếp cận mới nhằm đánh giá GDP trên cả phương diện hiệu quả kinh tế và tác động đối với môi trường, xã hội.
Trong khi đó, lãnh đạo Đảng, Nhà nước ta cũng thường nhấn mạnh chủ trương “không đánh đổi môi trường để tăng trưởng kinh tế”. Bởi vậy, việc xây dựng Bộ tiêu chuẩn giám sát, đánh giá sẽ giúp các địa phương tự thấy năng lực cũng như sự chuyển đổi tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp, bắt kịp đà phát triển của thế giới.
Bộ trưởng Lê Minh Hoan tham dự hội nghị xây dựng Bộ chỉ tiêu giám sát thực hiện Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững
Ông Trần Công Thắng, Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn cho biết: Bộ tiêu chuẩn giám sát thực hiện Chiến lược sẽ dựa trên 3 nhóm (với 109 chỉ tiêu cụ thể) gồm kinh tế, xã hội và môi trường, trên nguyên tắc S.M.A.R.T (cụ thể, dễ hiểu, đo lường được, có thể đạt được, thực tế, thời gian hoàn thành). Đồng thời phải gắn với mục tiêu phát triển nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại và nông dân tri thức, văn minh.
Cụ thể, Bộ tiêu chuẩn gồm các nhóm chỉ tiêu về kinh tế và hiệu quả bền vững; chỉ tiêu liên quan đến cơ giới hóa; nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; khoa học và công nghệ; xuất nhập khẩu; doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp; thu nhập cư dân nông thôn; các chỉ tiêu về môi trường (lượng phát thải khí nhà kính từ hoạt động sản xuất nông nghiệp; tỷ lệ xã phân loại rác thải sinh hoạt từ nguồn, diện tích cây trồng được áp dụng các giải pháp thích ứng với biến đổi khí hậu, diện tích cây trồng được chứng nhận thực hành nông nghiệp tốt VietGAP và tương đương...).
Một số chỉ tiêu sẽ được cập nhật hàng tháng hoặc được theo dõi hàng quý để Bộ NN&PTNT có cơ sở đánh giá, phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành linh hoạt trong từng thời điểm, từ đó thực hiện Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững theo lộ trình đặt ra.
Tham vấn về việc xây dựng Bộ chỉ tiêu giám sát thực hiện Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ NN&PTNT góp ý: Không nên để dàn trải 109 chỉ tiêu mà cần gom thành các nhóm lớn, sau đó chia thành các nhóm tiểu ngành để dễ theo dõi, đánh giá. Bên cạnh đó, cần tham khảo kinh nghiệm của các tổ chức quốc tế và quốc gia phát triển có kinh nghiệm để “quốc tế hóa” các chỉ tiêu cho phù hợp với thông lệ quốc tế; cần bổ sung thêm các chỉ tiêu mới để giám sát quá trình chuyển sang nền nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại và nông dân thông minh.