Nông nghiệp sạch

Hợp tác với Australia xây dựng chuỗi nông nghiệp thông minh

Thứ sáu, 6/1/2023 | 16:16 GMT+7
Ngày 6/1, Mạng lưới đổi mới sáng tạo Việt Nam - Australia (NIC AU) tổ chức hội thảo Nông nghiệp thông minh tại Việt Nam 2023 với chủ đề Xây dựng chuỗi nông nghiệp thông minh “từ nông trại đến bàn ăn”.

Hội thảo nhằm tạo cơ hội kết nối giữa các doanh nghiệp và chuyên gia hàng đầu trong việc phát triển và thúc đẩy các sáng kiến về nông nghiệp thông minh. Đây cũng là dịp để các chuyên gia thảo luận nhiều vấn đề về quy trình sản xuất và phát triển nông nghiệp thông minh tại Việt Nam.

Theo báo cáo tại hội thảo, nền nông nghiệp Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu nổi bật, đóng vai trò là trụ đỡ của nền kinh tế trong thời gian qua. Kim ngạch xuất khẩu toàn ngành nông nghiệp năm 2022 đạt trên 53 tỷ USD, tăng 9,3% so với năm 2021. Trong đó, nông sản đạt 22,59 tỷ USD, thủy sản đạt 10,92 tỷ USD, đây là mức tăng trưởng cao nhất trong các ngành.

Tuy nhiên, nền nông nghiệp hiện đang phải đối mặt với nhiều thách thức như bất ổn địa chính trị, dịch bệnh, biến đổi khí hậu, quy mô sản xuất còn manh mún, nhỏ lẻ, tỷ lệ ứng dụng công nghệ trong sản xuất còn hạn chế. Dó đó, để nâng cao năng suất, chất lượng nông sản, thích ứng tốt với biến đổi khí hậu và yêu cầu của thị trường, chuyển đổi nông nghiệp thông minh là giải pháp quan trọng.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan phát biểu tại hội thảo Nông nghiệp thông minh tại Việt Nam 2023

Phát biểu tại hội thảo, ông Nguyễn Phúc Bình, Chủ tịch Điều hành NIC AU cho biết, Mạng lưới mong muốn góp một phần công sức, trí tuệ của kiều bào tri thức người Việt Nam tại Australia nhằm thực hiện hóa nhiều sáng kiến để thúc đẩy quá trình chuyển đổi số, đẩy mạnh áp dụng công nghệ 4.0 vào phát triển nông nghiệp hiện đại thông qua giới thiệu công nghệ mới, kết nối các nhà khoa học, chuyên gia, doanh nghiệp Việt Nam và trên thế giới. Thông qua hội thảo, các ý tưởng thiết thực được đóng góp nhằm phát triển nông nghiệp, đặc biệt xây dựng chuỗi nông nghiệp khép kín, toàn diện, bền vững “từ nông trại đến bàn ăn” sẽ góp phần bảo đảm chất lượng nông sản, hạ giá thành sản phẩm, đáp ứng nhu cầu trong nước và phục vụ xuất khẩu.

Về nông nghiệp thông minh, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan chia sẻ, mô hình này đã và đang lan tỏa tại Việt Nam. Tuy nhiên, việc đưa những giá trị mới, sáng tạo từ nước ngoài về Việt Nam cần có cách tiếp cận theo từng công đoạn. Theo đó, Bộ trưởng nhấn mạnh về chương trình tri thức hóa nông dân nhằm nâng cao sự hiểu biết, kỹ năng của người nông dân, tạo nền tảng tiếp cận và đón nhận làn sóng tri thức mới. 

Qua đây, Bộ trường kêu gọi sự chia sẻ của cộng đồng tri thức tại Australia với những đóng góp vào lĩnh vực đổi mới sáng tạo trong nông nghiệp, vốn là lĩnh vực còn nhiều dư địa để khai thác, phát triển.

Trong phiên thảo luận, nhiều chuyên gia cùng tham gia góp ý, trao đổi về phát triển nông nghiệp thông minh. Trong đó, ông Nguyễn Việt Tuấn, Bộ Nông nghiệp bang Victoria (Australia) đã chia sẻ về công đoạn chọn và cải tiến giống phù hợp với nhu cầu của thị trường; phân loại, chế biến và bảo quản nông sản. Ông cũng đề xuất Việt Nam cần có một trung tâm lưu trữ tất cả những hệ gene mới và quý của vật nuôi để dễ dàng truy cập nghiên cứu khai thác, sử dụng với mục tiêu mang lại lợi ích cho người nông dân.

Về tính kết nối giữa nông dân với chuỗi nông nghiệp thông minh, ông Nguyễn Kỳ Tài, Đại học Southern Queensland (Australia) cho rằng, khoảng cách giữa người nông dân và những công nghệ, ứng dụng phát triển không chỉ nằm ở tư duy mà còn phụ thuộc vào quản lý, tài chính, các thể chế khác. Với điều kiện tại Việt Nam, trước mắt cần đào tạo nhân lực có tính ứng dụng linh hoạt và phù hợp.

Việt Nga