Nông nghiệp sạch

Hướng dẫn tạm thời về nuôi thủy sản lồng bè bền vững, an toàn với môi trường

Thứ sáu, 17/12/2021 | 10:47 GMT+7
Sau khi được UBND thành phố Hải Phòng phê duyệt các vị trí nuôi thủy sản lồng bè giai đoạn 2021 - 2025 tại Cát Bà, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Hải Phòng đã có văn bản hướng dẫn tạm thời về nuôi thủy sản lồng, bè theo hướng hướng thân thiện môi trường, giảm thiểu ô nhiễm.

Theo hướng dẫn, các tổ chức, cá nhân có nhu cầu nuôi trồng thủy sản trên các vịnh thuộc quần đảo Cát Bà phải thực hiện đăng ký và bảo đảm hoạt động nuôi trồng thủy sản trên biển được an toàn, giữ gìn vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm, bảo đảm phát triển bền vững và phù hợp với các quy định của pháp luật.

Việc nuôi trồng thủy sản lồng, bè trên biển phải đảm bảo các điều kiện theo quy định của pháp luật về điều kiện cơ sở nuôi trồng; đăng ký nuôi trồng; cấp phép nuôi trồng thủy sản trên biển và đối tượng thủy sản nuôi chủ lực.

Hướng dẫn nêu rõ, cơ sở nuôi cá lồng, bè phải nằm trong vùng quy hoạch nuôi thủy sản khu vực biển được cơ quan có thẩm quyền cho phép cũng như có quyết định giao, cho thuê khu vực biển nuôi trồng thủy sản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Về cơ sở vật chất phục vụ nuôi thủy sản lồng bè và an toàn thực phẩm trong kỹ thuật nuôi, phải đảm bảo an toàn, không có mối nguy làm ô nhiễm môi trường và khu vực nuôi.

Với vật liệu, thiết bị, dụng cụ sử dụng trong quá trình nuôi, việc thiết kế lồng, bè nên đảm bảo dễ dàng vệ sinh, khử trùng, dễ di dời, lắp đặt, chịu được sóng gió, an toàn cho người lao động.

Nuôi thủy sản lồng, bè tại Cát bà, Hải Phòng

Theo Chi cục Thủy sản Hải Phòng, hướng dẫn của Sở NN&PTNT tỉnh đã khuyến khích các cơ sở nuôi trồng ưu tiên sử dụng vật liệu làm lồng, phao nổi bằng nhựa HDPE; động cơ và thiết bị máy móc sử dụng phải đảm bảo không rò rỉ xăng, dầu ra môi trường.

Các cơ sở không được sử dụng phao xốp trực tiếp hoặc bọc bằng bạt, lưới làm phao nổi; khung lồng, phao, lưới phải làm bằng vật liệu không gây ô nhiễm môi trường, không gây độc hại cho thủy sản nuôi và không để thủy sản nuôi sống thoát ra môi trường; có thiết bị cảnh báo cho hoạt động giao thông đường thủy.

Riêng với các công trình phụ trợ, khu ăn, nghỉ, sinh hoạt của người lao động, các hộ nuôi phải cam kết sạch sẽ và không ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kho chứa thức ăn, nguyên liệu làm thức ăn nuôi thủy sản phải có mái che, thông thoáng, không ẩm ướt, ngăn được côn trùng và động vật gây hại.

Mỗi cơ sở phải lắp đặt thùng rác có nắp và chuyển đến nơi thu rác tập trung, nơi chứa rác thải phải riêng biệt với nơi chứa, xử lý thủy sản chết, không xả rác, thủy sản chết và các loại chất thải ra vùng nuôi và môi trường nước tự nhiên.

Mặt khác, ông Đỗ Đức Thịnh, Chi cục Phó Chi cục Thủy sản Hải Phòng cũng cho biết, trong giai đoạn tới đây, các hộ đăng ký nuôi thủy sản phải cam kết thực hiện nghiêm quy định về phòng trị bệnh, sử dụng thuốc, hóa chất, chế phẩm sinh học và chất xử lý cải tạo môi trường.

Trong quá trình nuôi phải thường xuyên vệ sinh lưới để lồng nuôi luôn được thông thoáng, sạch sẽ, theo dõi môi trường nước và hoạt động của đối tượng nuôi hàng ngày và phải có biện pháp xử lý kịp thời, hiệu quả.

Lưu ý, khi đối tượng nuôi chết do bệnh hoặc do các nguyên nhân khác thì phải thu gom, đưa ra khỏi vùng nuôi và tiêu hủy theo đúng quy định. Khi có hiện tượng đối tượng nuôi chết bất thường hoặc dịch bệnh, có dấu hiệu lây lan thì hộ nuôi phải thông báo với chính quyền địa phương, các cơ quan quản lý chuyên môn liên quan để có hướng xử lý kịp thời.

Theo nongnghiep.vn