Nông nghiệp sạch

Lào Cai: Đẩy mạnh phát triển cây quế theo hướng hữu cơ

Thứ bảy, 4/12/2021 | 15:42 GMT+7
Với diện tích trên 70% rừng trồng của tỉnh Lào Cai, doanh thu gần 600 tỷ đồng/năm và là cây công nghiệp xuất khẩu chủ lực, quế đang rất được chú trọng canh tác tại Lào Cai, đặc biệt theo hướng hữu cơ.

Theo thống kê, năm 2015, toàn tỉnh Lào Cai có 11.198,5ha quế. Đến nay, diện tích quế trên toàn tỉnh là 45.000ha, bình quân tăng 5.634 ha/năm.

Hiện trên toàn tỉnh có 11 nhà máy chế biến và chiết xuất tinh dầu quế. Khối lượng thu mua sản phẩm quế đạt 52.375 tấn. Giá bán vỏ quế hàng ống sáo từ 97 - 100 triệu đồng/tấn, hàng chẻ từ 55 - 60 triệu đồng/tấn, hàng kén vụ từ 47 - 50 triệu đồng/tấn, hàng tươi từ 24 - 27 triệu đồng/tấn. Giá cành lá từ 1,8 - 2,4 triệu đồng/tấn. Giá tinh dầu dao động từ 450 - 570 triệu đồng/tấn. 

Thị trường xuất khẩu sản phẩm quế tỉnh Lào Cai cũng rất ổn định, các sản phẩm đã được xuất trực tiếp sang thị trường Singapore, Ấn Độ, Thái Lan, Malaysia, Bangladesh, Qatar, Lebanon, Israel, Thổ Nhĩ Kỳ. Mặt hàng tinh dầu cũng được thị trường Trung Quốc, Sirilanka, châu Âu, Mỹ và thị trường trong nước tin dùng.

Nhằm từng bước sản xuất cây quế bền vững, những năm qua, ngành nông nghiệp Lào Cai đã đẩy mạnh tuyên truyền, xây dựng các mô hình sản xuất quế hữu cơ. Hiện toàn tỉnh có 3.503ha quế được công nhận vùng quế hữu cơ. Các doanh nghiệp chế biến quế cũng đang có xu hướng đầu tư sản xuất, chế biến quế theo chuỗi sản phẩm oganic.

Vùng trồng quế hữu cơ ở Lào Cai

Để tiếp tục phát huy những tiềm năng sẵn có cũng như kết quả đã đạt được, tỉnh Lào Cai đã phê duyệt dự án trồng rừng sản xuất trên địa bàn tỉnh Lào Cai giai đoạn 2021 - 2025, trong đó cơ cấu lại ngành theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, xác định phát triển cây quế gắn liền với phát triển và bảo vệ rừng để nâng cao thu nhập cho người dân.

Theo đó, nhằm phát huy tiềm năng và thế mạnh cây quế, Lào Cai đã đánh giá thực trạng và có định hướng phát triển sản xuất, kinh doanh quế trên địa bàn tỉnh. Trong đó, tỉnh đặt mục tiêu hình thành vùng trồng quế tập trung, theo hướng sản xuất hàng hóa, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững với quy mô 52.000ha vào năm 2030. Phấn đấu có ít nhất 20% diện tích rừng trồng được cấp chứng nhận quản lý rừng FSC, chứng chỉ hữu cơ vào năm 2025, đạt 35% vào năm 2030 và 70% vào năm 2050.

Bên cạnh đó, tập trung phát triển chuỗi sản phẩm quế hữu cơ mang thương hiệu sản phẩm quốc gia, từng bước vươn ra thị trường thế giới và trở thành mặt hàng nông lâm sản xuất khẩu chính; gắn phát triển vùng nguyên liệu quy mô tập trung sản xuất theo tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật với thu hút, kêu gọi đầu tư các cơ sở chế biến sâu có công nghệ hiện đại, giá trị gia tăng cao.

Nghiên cứu, áp dụng khoa học công nghệ từ khâu sản xuất giống tới khâu chế biến, tiêu thụ sản phẩm theo hướng hữu cơ, phấn đấu đến năm 2050 có trên 50% sản phẩm quế đạt chứng nhận hữu cơ và được quản lý trên hệ thống xác thực số.

Mặt khác, tỉnh sẽ tập trung nghiên cứu các xu thế phát triển thị trường, nhu cầu tiêu thụ các loại sản phẩm quế sau chế biến theo hướng đi tắt đón đầu, khuyến khích sản xuất, xuất khẩu đến các thị trường khó tính; tìm kiếm thị trường lâm sản xuất khẩu tiềm năng.

Thanh Bảo