Năng lượng gió

Hướng tới lộ trình hiện thực hóa điện gió ngoài khơi tại Việt Nam

Thứ sáu, 10/6/2022 | 08:59 GMT+7
Ngày 9/6, Viện Năng lượng, Bộ Công Thương phối hợp với Hội đồng Năng lượng gió toàn cầu (GWEC) tổ chức hội thảo Lộ trình hiện thực hóa điện gió ngoài khơi tại Việt Nam - Hướng đến mục tiêu của Quy hoạch điện VIII và cam kết Net Zero tại Hà Nội.

Hội thảo nhằm làm rõ hơn về lộ trình phát triển, quy hoạch điện gió ngoài khơi trong Quy hoạch điện VIII; nhận diện, làm rõ và chia sẻ khuyến nghị đối với các yếu tố quan trọng trong lộ trình hiện thực hóa điện gió ngoài khơi tại Việt Nam. Cụ thể như vấn đề cấp phép khảo sát và phát triển dự án, cơ chế chuyển dịch trước cơ chế đấu thầu, giải pháp kích hoạt nhu cầu đầu tư, hạ tầng và đấu nối lưới điện truyền tải, khả năng tham gia của doanh nghiệp trong nước vào chuỗi giá trị điện gió ngoài khơi…

Tại hội thảo, Phó Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo, Bộ Công Thương Bùi Quốc Hùng cho biết, Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng về Định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021 - 2030 đặt mục tiêu đến năm 2030 Việt Nam là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao - Việt Nam đang trong tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa mạnh mẽ và hội nhập ngày càng sâu rộng với quốc tế.

Với vai trò một ngành cơ sở hạ tầng thiết yếu của nền kinh tế, ngành điện lực xác định phải đi trước một bước trong đầu tư phát triển, bảo đảm đáp ứng đủ điện năng cho nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội và đời sống người dân. Theo xu thế tất yếu, ngành cần ưu tiên phát triển theo hướng sản xuất sạch hơn, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững.

Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 22/10/2018 của Bộ Chính trị về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 xác định cần phát triển đột phá đối với lĩnh vực năng lượng tái tạo và các ngành kinh tế biển mới, nêu rõ: “Thúc đẩy đầu tư xây dựng, khai thác điện gió, điện mặt trời và các dạng năng lượng tái tạo khác...”. 

Nghị quyết số 55-NQ/TW ngày 11/2/2020 của Bộ Chính trị về Định hướng chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 cũng xác định: Ưu tiên sử dụng năng lượng gió và mặt trời cho phát điện. Xây dựng các cơ chế, chính sách đột phá để khuyến khích và thúc đẩy phát triển mạnh mẽ các nguồn năng lượng tái tạo nhằm thay thế tối đa các nguồn năng lượng hóa thạch. 

Tại Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu (COP26), Việt Nam đã cam kết bằng nỗ lực trong nước và với sự hợp tác, hỗ trợ quốc tế, cùng 150 quốc gia trên thế giới đưa mức phát thải ròng về 0 (Net Zero) vào năm 2050.

Cần có giải pháp để thúc đẩy lộ trình hiện thực hóa điện gió ngoài khơi tại Việt Nam

Nhằm cụ thể hóa các chủ trương, định hướng lớn này, Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2045 (Quy hoạch điện VIII) đã được Bộ Công Thương xây dựng với các quan điểm, mục tiêu nhất quán thể hiện sự chuyển dịch mạnh mẽ từ các nguồn điện sử dụng nhiên liệu hóa thạch truyền thống như nhiệt điện đốt than sang các nguồn năng lượng tái tạo như điện gió, điện mặt trời, thủy điện tích năng.

Hiện, dự thảo Quy hoạch điện VIII đã được hoàn thiện, thông qua bởi Hội đồng thẩm định và đã trình Thủ tướng Chính phủ trong tháng 4/2022, chờ phê duyệt. Trong đó, quy hoạch phát triển năng lượng tái tạo được chú trọng.

Theo đó, tổng tỷ trọng công suất lắp đặt nguồn điện năng lượng tái tạo (điện gió, điện mặt trời) trong hệ thống điện quốc gia năm 2030 đạt xấp xỉ 22%. Đặc biệt, điện gió ngoài khơi được dự kiến quy hoạch phát triển khoảng 7GW đến năm 2030; 16GW vào năm 2035 và hơn 36GW vào năm 2045.

Theo ông Trần Kỳ Phúc, Viện trưởng Viện Năng lượng, kết quả khảo sát của Ngân hàng Thế giới cho thấy, Việt Nam có tiềm năng gió lớn nhất khu vực Đông Nam Á, với tổng tiềm năng ước đạt khoảng gần 400GW.

Nguồn điện gió ngoài khơi được quy hoạch phát triển với quy mô lớn do có tiềm năng kỹ thuật tương đối tốt trên phạm vi các vùng lãnh hải của cả nước - theo đánh giá mới nhất lên đến trên 160GW và đặc tính kỹ thuật vượt trội so với các nguồn điện mặt trời và điện gió trên bờ. Tuy nhiên, loại hình nguồn điện này chưa có kinh nghiệm phát triển ở Việt Nam.

Theo chuyên gia nước ngoài, Việt Nam cần phải có quy trình rõ ràng, mức giá phù hợp để thu hút nhà đầu tư trong lĩnh vực điện gió ngoài khơi

Ông Mark Hutchinson, Chủ tịch Nhóm công tác Đông Nam Á của Hội đồng Năng lượng gió toàn cầu cho rằng, suất đầu tư của dự án điện gió ngoài khơi rất lớn. Do đó, Việt Nam cần phải có quy trình rõ ràng, mức giá phù hợp để thu hút nhà đầu tư. Đồng thời, cũng cần tính toán cân nhắc đến chuỗi cung ứng, phát triển hạ tầng cảng biển.

Về mục tiêu 7GW đến năm 2030, ông Mark Hutchinson cho rằng, cần có cơ chế chuyển đổi cho 4GW đầu tiên, sau đó thực hiện cơ chế đấu thầu với 3GW còn lại. Bởi nếu chuyển thẳng sang cơ chế đấu thầu thì mục tiêu này sẽ khó đạt được.

Đại diện GWEC cho biết thêm, cũng do suất đầu tư của dự án điện gió ngoài khơi lớn nên cần có sự tài trợ vốn của cả ngân hàng quốc tế. Muốn thu hút ngân hàng quốc tế, Việt Nam cần có sự rõ ràng trong hợp đồng mua bán điện. Trong hợp đồng, cần giải quyết các vấn đề về tiết giảm công suất, mức giá điện.

Tại hội thảo, các chuyên gia nước ngoài cũng chia sẻ nhiều bài học nghiên cứu điển hình từ một số quốc gia, vùng lãnh thổ phát triển điện gió ngoài khơi thành công như Vương quốc Anh, Đan Mạch, Đài Loan (Trung Quốc)… Đồng thời, đưa ra các khuyên nghị cho Việt Nam nhằm thúc đẩy ngành điện gió ngoài khơi phát triển hiệu quả, góp phần quan trọng đảm bảo thực hiện lộ trình tiến tới Net Zero của Việt Nam đến năm 2050.

Đức Dũng