Hướng tới mở rộng các khu bảo tồn biển

Thứ hai, 6/3/2023 | 14:19 GMT+7
Mới đây, tại Hội nghị “Đại dương của chúng ta” (Our Ocean) lần thứ 8, hơn 600 người đứng đầu Chính phủ và doanh nghiệp trên thế giới đã thảo luận về việc mở rộng các khu bảo tồn biển, giảm các yếu tố gây áp lực cho nguồn tài nguyên vô giá và bảo đảm một nền kinh tế xanh có nguồn gốc từ đại dương.

Theo báo cáo tại hội nghị, đại dương đang phải chịu nhiều áp lực từ sự nóng lên toàn cầu và các hoạt động khai thác đại dương không bền vững, đánh bắt cá bất hợp pháp, ô nhiễm môi trường do con người gây ra. Đặc biệt, rác thải nhựa đang là mối đe dọa lớn nhất đối với đại dương. Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) ước tính, lượng rác thải nhựa đổ ra đại dương có thể tăng lên đến một tỷ tấn vào năm 2060. 

Với chủ đề “Đại dương của chúng ta, kết nối của chúng ta”, hội nghị được lấy cảm hứng từ Panama - quốc gia đi đầu trong bảo tồn đa dạng sinh học biển. Dịp này, Panama đã đưa ra 6 lĩnh vực hành động trong thời gian tới, bao gồm: biến đổi khí hậu, nghề cá bền vững, nền kinh tế xanh, khu bảo tồn biển, an toàn hàng hải và ô nhiễm biển. Bên cạnh đó, hội nghị còn đặc biệt lưu ý đến du lịch bền vững và các vấn đề liên quan đến ô nhiễm biển do nhựa.

Nhiều lãnh đạo Chính phủ tham gia thảo luận về việc bảo tồn biển tại Hội nghị “Đại dương của chúng ta”

Tại hội nghị, bà Courtney Farthing, Giám đốc chính sách của Global Fishing Watch cho biết, hội nghị “Đại dương của chúng ta” nhằm tăng cường nỗ lực tập thể để giải quyết những vấn đề trên, đồng thời là chìa khóa để duy trì ý chí chính trị đối với hành động trên đại dương.

Dịp này, Liên minh châu Âu (EU) khẳng định cam kết mạnh mẽ đối với việc quản trị đại dương quốc tế bằng cách công bố 39 cam kết hành động cho năm 2023 thông qua một khoản tài trợ trị giá 816,5 triệu euro. Đây là một trong những khoản tài trợ lớn nhất từng được EU công bố kể từ khi hội nghị “Đại dương của chúng ta” khởi xướng vào năm 2014. Theo đó, EU đã phát triển một công cụ theo dõi các cam kết trên trang web “Our Ocean”, cho phép người dân theo dõi tiến trình thực hiện các cam kết đã được đưa ra tại tất cả các hội nghị quốc tế.

Tính đến nay, hội nghị “Đại dương của chúng ta” đã huy động được hơn 1.800 cam kết, với tổng giá trị khoảng 108 tỷ USD, giúp bảo vệ hơn 5 triệu dặm vuông đại dương.

Các chuyên gia nhấn mạnh, đây là sự kiện rất quan trọng bởi đã góp phần giải quyết tất cả các vấn đề liên quan đến đại dương. Những nỗ lực tập thể để làm sạch đại dương, phục hồi khí hậu và tái tạo sinh vật biển có thể là biện pháp cuối cùng trong cuộc đấu tranh loại bỏ những hành động và lối suy nghĩ gây ra sự gián đoạn cuộc sống của tất cả các sinh vật sống trên hành tinh.

Với mục tiêu tăng cường hiểu biết, tiếp thu kiến thức, các mô hình thực tiễn tốt trên thế giới, làm cơ sở cho việc xây dựng và hoàn thiện hệ thống các chính sách liên quan đến biển và đại dương gắn với tăng trưởng và phát triển bền vững, đoàn công tác của Bộ Tài nguyên và Môi trường do Thứ trưởng Lê Minh Ngân làm trưởng đoàn đã dự phiên khai mạc toàn thể và các phiên họp chính của hội nghị. Trong thời gian tham dự, đoàn đã có một số cuộc tiếp xúc nhanh bên lề với các đối tác quốc tế về hoạt động hợp tác trong lĩnh vực này tại Việt Nam.

Khánh An (T/H)