Kinh tế xanh

Khởi động xây dựng kế hoạch quốc gia thực hiện kinh tế tuần hoàn

Thứ ba, 28/6/2022 | 15:26 GMT+7
Ngày 28/6, Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức hội nghị Khởi động xây dựng kế hoạch quốc gia thực hiện kinh tế tuần hoàn của Việt Nam.

Hội nghị tập trung bàn thảo, đánh giá, chia sẻ những cơ hội thúc đẩy tiềm năng phát triển kinh tế tuần hoàn hướng tới mục tiêu phát thải ròng bằng 0; các xu hướng chuyển dịch đầu tư tái thiết kinh tế toàn cầu trong bối cảnh mới hậu Covid-19; vấn đề tăng cường hợp tác giữa Chính phủ và doanh nghiệp trong việc thúc đẩy thực hiện kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam.

Theo thông tin từ ban tổ chức, hội nghị đi sâu vào phân tích, thảo luận các vấn đề liên quan đến phát triển kinh tế tuần hoàn với 4 phiên thảo luận chuyên đề về: thúc đẩy hợp tác về kinh tế tuần hoàn thông qua tạo lập mạng lưới đối tác, chia sẻ kiến thức; vấn đề tài chính và công nghệ thúc đẩy kinh tế tuần hoàn; các mô hình kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam; thúc đẩy các giải pháp kinh tế tuần hoàn nhằm giảm thiểu tác động của ô nhiễm nhựa tới sức khỏe…

Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà cho biết, biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường và suy giảm hệ sinh thái tự thiên đang là khủng hoảng kép đối với nhân loại hiện nay.

Trong tháng 5/2022, Tổ chức Khí tượng thế giới công bố 4 chỉ số chính về biến đổi khí hậu, bao gồm nồng độ khí nhà kính, mực nước biển dâng, nhiệt đại dương và axit hóa đại dương đã lập kỷ lục mới vào năm 2021, cho thấy các hoạt động của con người đang gây ra những thay đổi ở quy mô cấp hành tinh trên đất liền, trong lòng đại dương và bầu khí quyển, tạo ra những hậu quả nghiêm trọng và lâu dài đối với sự phát triển bền vững và các hệ sinh thái.

Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà phát biểu tại hội nghị Khởi động xây dựng kế hoạch quốc gia thực hiện kinh tế tuần hoàn của Việt Nam

Liên Hợp Quốc cảnh báo, đến năm 2030, nếu tiếp tục phát triển với mô hình kinh tế tuyến tính (khai thác tài nguyên - sản xuất tiêu dùng - thải loại ra môi trường), nhu cầu sử dụng tài nguyên sẽ tăng 3 lần so với hiện nay, vượt ngoài khả năng cung ứng của trái đất, lượng chất thải sẽ vượt giới hạn sức chịu tải của môi trường. Nếu hành động chậm chễ, chúng ta sẽ bỏ lỡ cơ hội quý giá để đảm bảo trái đất có thể sinh sống được và duy trì một hành tinh bền vững cho tất cả trong tương lai. 

Vì vậy, Bộ trưởng Bộ TN&MT nhấn mạnh, yêu cầu cấp bách hiện nay là cần có mô hình kinh tế hiệu quả hơn về sử dụng tài nguyên, ngăn ngừa biến đổi khí hậu, giảm ô nhiễm, suy thoái môi trường. 

So với mô hình kinh tế tuyến tính truyền thống, việc thúc đẩy các hành động theo mô hình kinh tế tuần hoàn góp phần thực hiện cam kết đạt phát thải ròng bằng 0 chắc chắn sẽ mang lại nhiều lợi ích cho quốc gia và doanh nghiệp.

Để thúc đẩy nền kinh tế tuần hoàn, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết, cần kiến tạo thể chế, cụ thể hóa các quy định trong Luật Bảo vệ môi trường, nhất là những quy định về trách nhiệm của nhà sản xuất, nhà phân phối trong việc thu hồi, phân loại, tái chế hoặc chi trả chi phí xử lý các sản phẩm thải bỏ dựa trên số lượng sản phẩm bán ra trên thị trường; quản lý dự án theo vòng đời, thiết lập lộ trình xây dựng và áp dụng quy chuẩn, tiêu chuẩn về môi trường tương đương với nhóm các nước tiên tiến trong khu vực.

Ban hành các cơ chế chính sách ưu đãi, hỗ trợ thúc đẩy công nghiệp môi trường, trong đó có công nghiệp tái chế; thúc đẩy phát triển thị trường trao đổi sản phẩm phụ, sản phẩm thải bỏ để rác thải, chất thải trở thành tài nguyên thứ cấp trong hệ thống vòng kín của chu trình sản xuất mới. Ban hành các tiêu chí về mua sắm xanh, sử dụng các sản phẩm có nguồn gốc vật liệu tái chế.

Cùng với đó, cần có lộ trình thay thế các nhiên liệu, sản phẩm sử dụng nguyên liệu nguy hại, sản phẩm sử dụng một lần (đồ nhựa, túi nilon) bằng các nhiên liệu, nguyên liệu thân thiện với môi trường, sản phẩm sử dụng nhiều lần, kéo dài thời gian sử dụng hữu ích của sản phẩm.

Đặc biệt, cần lồng ghép kinh tế tuần hoàn vào chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển các đô thị, khu công nghiệp, khu chế xuất, trung tâm nhiệt điện… theo mô hình tuần hoàn, không phát thải chất thải, khí thải và nước thải.

Bộ trưởng Trần Hồng Hà nhấn mạnh, cần thúc đẩy quan hệ hợp tác hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận với các cơ hội tiếp nhận hỗ trợ về tài chính và công nghệ cho kinh tế tuần hoàn. Truyền thông cần nâng cao nhận thức trách nhiệm của cộng đồng doanh nghiệp và người dân về kinh tế tuần hoàn; nâng cao trách nhiệm phân loại tại nguồn các loại rác thải để thực hiện tái chế, tái sử dụng; thay đổi hành vi tiêu dùng hướng tới các sản phẩm thân thiện môi trường.  

Nhân sự kiện, Bộ TN&MT và Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) chính thức khai trương Mạng lưới kinh tế tuần hoàn Việt Nam.

Thanh Tâm