Năng lượng tái tạo

Lâm Đồng rà soát quy hoạch phát triển nguồn điện từ năng lượng tái tạo

Thứ sáu, 21/10/2022 | 10:25 GMT+7
Sở Công Thương Lâm Đồng vừa có báo cáo số 2049/BC-SCT ngày 19/10/2022 về kết quả rà soát quy hoạch phát triển nguồn điện từ nguồn năng lượng tái tạo trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Theo đó, qua rà soát, Sở Công Thương Lâm Đồng đề xuất phát triển 20 dự án điện gió (tổng công suất khoảng 1.500MW, tổng sản lượng điện trung bình năm gần 4,7 tỷ kWh), 13 dự án điện mặt trời (tổng công suất gần 753MW, tổng sản lượng điện trung bình năm khoảng 1,47 tỷ kWh), 3 dự án thủy điện tích năng (tổng công suất 3.700MW), 42 dự án thủy điện (381MW, điện lượng trung bình năm khoảng 1,2 tỷ kWh), 11 công trình thủy lợi có khả năng khai thác thủy điện với tổng công suất lắp máy hơn 30MW, điện lượng trung bình năm khoảng 52 triệu kWh.

Tổng số dự án năng lượng tái tạo sau khi rà soát gồm 89 dự án với tổng công suất khoảng 6.400MW, điện lượng sản xuất trung bình năm tăng thêm từ nguồn năng lượng tái tạo khoảng 7,4 tỷ kWh.

Theo Sở Công Thương Lâm Đồng, đến năm 2030, nếu 89 dự án nguồn điện năng lượng tái tạo nêu trên được đầu tư đưa vào vận hành khai thác thì cũng chỉ đáp ứng được 1,25 - 1,35% nhu cầu hệ thống điện quốc gia. Do đó, việc đầu tư phát triển nguồn điện năng lượng tái tạo trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng là cần thiết.

Ảnh minh họa

Bên cạnh đó, Sở Công Thương Lâm Đồng cho biết, về điện sinh khối, trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng, nguồn nguyên liệu sinh khối (biomass) rải rác, nhỏ lẻ trong từng hộ gia đình, không có nguồn nguyên liệu tập trung ở mức độ quy mô công nghiệp để sản xuất điện. Do đó, trong giai đoạn từ nay đến năm 2030, tỉnh Lâm Đồng chưa có tiềm năng phát triển điện sinh khối.

Về điện rác, tại tỉnh Lâm Đồng, thống kê thời điểm tháng 4/2021, Lâm Đồng có khoảng 936 tấn rác thải rắn/ngày-đêm, trong đó 481 tấn ở vùng đô thị, 455 tấn ở vùng nông thôn. 

Theo Sở Công Thương, nhiều nhà đầu tư đã đến nghiên cứu dự án điện từ rác thải tại Lâm Đồng nhưng chưa có dự án nào triển khai do không đủ lượng rác tập trung. Vì vậy, từ nay cho đến năm 2030, tại các khu vực như TP Đà Lạt, huyện Đức Trọng, TP Bảo Lộc… chưa đủ lượng rác thải tập trung có khả năng hình thành dự án nguồn điện có hiệu quả kinh tế từ việc đốt rác thải.

Tiến Đạt