Nông nghiệp sạch

Chuyển hướng phát triển nông nghiệp Việt Nam sang xanh hóa, phát thải thấp

Thứ ba, 30/11/2021 | 14:31 GMT+7
Ngày 30/11, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) phối hợp với Ngân hàng Thế giới (WB) tổ chức Diễn đàn đối thoại chính sách cấp cao Chuyển đổi sang hệ thống lương thực, thực phẩm xanh, phát thải thấp.

Phát biểu mở đầu diễn đàn, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan nhận định, để đảm bảo mục tiêu phát triển bền vững, việc chuyển đổi sang mô hình tăng trưởng nông nghiệp mới trở thành một yêu cầu cấp bách và cần thiết. Theo đó, cần thay đổi từ tư duy địa phương sang tư duy toàn cầu; từ tư duy khai thác sang tư duy nuôi dưỡng; từ tư duy ngắn hạn sang tư duy dài hạn và bền vững. Cần hướng tới những “giá trị xanh” được tạo nên từ “chuyển đổi xanh, tiêu dùng xanh, kinh tế xanh”.

Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2050 vừa được Chính phủ ban hành đã giao Bộ NN&PTNT xây dựng và thực hiện các nhiệm vụ phát triển nông nghiệp hàng hóa hiệu quả, bền vững, ít phát thải theo hướng kinh tế tuần hoàn, thông minh thích ứng với khí hậu, nâng cao năng lực cạnh tranh cho các sản phẩm nông nghiệp xanh, xây dựng và phát triển nông thôn mới theo hướng xanh, bền vững với các mô hình làng sinh thái, làng thông minh thích ứng với khí hậu.

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT cho biết, dự thảo Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn bền vững đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 đang được Bộ xây dựng cũng nhằm mục tiêu cơ cấu lại ngành nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn, gắn với xây dựng nông thôn mới, được thiết kế xoay quanh ba trụ cột: “Nông nghiệp sinh thái”, “Nông thôn hiện đại”, “Nông dân thông minh” hoàn toàn phù hợp với các định hướng chiến lược của quốc gia trong thời gian tới.

Với tư duy mới, chúng ta hoàn toàn có thể đặt ra khát vọng đưa Việt Nam trở thành cường quốc nông nghiệp sinh thái, trung hòa carbon thay vì chỉ là cường quốc về sản lượng lương thực. Với lợi thế địa kinh tế chiến lược, Việt Nam hoàn toàn có thể trở thành trung tâm logistics nông nghiệp và thực phẩm khu vực châu Á – Thái Bình Dương, trung tâm chế biến nông lâm thủy sản cho khu vực Đông Nam Á, Bộ trưởng Lê Minh Hoan tin tưởng.

Diễn đàn đối thoại chính sách cấp cao Chuyển đổi sang hệ thống lương thực, thực phẩm xanh, phát thải thấp

Bà Carolyn Turk, Giám đốc WB tại Việt Nam cho biết, tọa đàm hôm nay tập trung vào hai điểm chính, đó là chuyển đổi xanh và “lời nói đi đôi với hành động”.

Có thể thấy, ngành nông nghiệp Việt Nam cần lưu ý cả về thích ứng và giảm thiểu. Cụ thể, về thích ứng, nông nghiệp là một trong những tác nhân chính gây nên biến đổi khí hậu khi phát thải khí nhà kính chiếm tới 18% tổng lượng phát thải. Lượng phát thải dự kiến sẽ lên tới 120 triệu tấn CO2 vào năm 2030, trong đó có tới một nửa xuất phát từ ngành lúa gạo. Việt Nam đã có cam kết mạnh mẽ tại Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của Liên Hợp Quốc (COP26) là đạt mức phát thải ròng bằng "0" vào năm 2050, giảm khí thải metan 30% tính đến năm 2030… và đây là thách thức đối với ngành lúa gạo Việt Nam.

Mặt khác, một số vùng ở Việt Nam như đồng bằng sông Cửu Long dễ bị tổn thương do biến đổi khí hậu như nước nước biển dâng, xâm nhập mặn, mưa bất thường, hạn hán… dự kiến sẽ làm giảm năng suất lúa gạo trong vòng 30 năm tới. Ngoài thách thức về biến đổi khí hậu, Việt Nam còn đang đối mặt với những thách thức nội tại như giảm năng suất trong ngành, áp lực gia tăng sản lượng, yêu cầu ngày càng cao về chất lượng của sản phẩm nông nghiệp.

Theo đó, trong tọa đàm chính sách này, WB mong có thể mang lại bài học cho Việt Nam từ các quốc gia phát triển như như châu Âu, Trung Quốc trong chuyển đổi sang hệ thống lương thực, thực phẩm xanh, phát thải thấp. Phía WB sẽ tiếp tục hợp tác, hỗ trợ kỹ thuật, mở rộng các hoạt động đầu tư cùng Bộ NN&PTNT để xác định và hướng tới một tương lai tươi sáng cho ngành nông nghiệp Việt Nam, hướng đến vị thế đáng mong đợi như là một trong những nước sản xuất nông nghiệp mạnh trên thế giới.

Thanh Tâm