Sức khỏe

Lấy sức khỏe cộng đồng làm trọng tâm cho các gói cứu trợ phục hồi kinh tế

Thứ ba, 26/5/2020 | 11:10 GMT+7
Ngày 26/5, hơn 40 triệu bác sĩ, y tá và các chuyên gia y tế từ 90 quốc gia đã cùng gửi đi lá thư chung đến các lãnh đạo G20, kêu gọi họ lấy sức khỏe cộng đồng làm trọng tâm cho các gói cứu trợ phục hồi kinh tế.

Trong thư, các chuyên gia y tế yêu cầu chính phủ các nước khi xem xét các gói kích thích kinh tế cần ưu tiên đầu tư vào y tế công cộng, đảm bảo không khí sạch, nước sạch và khí hậu ổn định. Những khoản đầu tư này sẽ giúp giảm ô nhiễm không khí, giảm phát thải khiến trái đất nóng lên, từ đó loại bỏ một số tác nhân gây tổn hại sức khỏe con người và giúp tăng cường năng lực phục hồi sau các đại dịch trong tương lai. 

Do đó, để đạt được khả năng phục hồi, lãnh đạo các nước G20 nên cân nhắc để cộng đồng y tế và khoa học tham gia vào quá trình xây dựng các gói kích thích kinh tế. Những quyết sách về gói kích thích kinh tế cũng phải xét đến đánh giá y tế về tác động sức khoẻ cộng đồng trong ngắn hạn và dài hạn.

Thông điệp của cuộc vận động hướng tới sự phục hồi lành mạnh, trong đó đặc biệt cần giảm thiểu ô nhiễm không khí, nhằm bảo vệ sức khỏe con người và hạn chế những hiện tượng cực đoan do khí hậu. Để đạt được mục tiêu phục hồi lành mạnh, chính phủ các nước cần phải đầu tư vào các ngành công nghiệp bền vững và sáng tạo. Cụ thể, các nhà lãnh đạo có thể đẩy mạnh phát triển năng lượng tái tạo nhiều hơn, khích lệ việc đi bộ, đạp xe và sử dụng giao thông công cộng không khí thải, trồng cây xanh và mở rộng công trình thiên nhiên, đưa ra các chiến lược nâng cao sức khỏe của con người.

Đây là cuộc vận động cộng đồng y tế lớn nhất thế giới kể từ hoạt động chuẩn bị trước thềm thỏa thuận khí hậu Paris 2015

Jeni Miller, Giám đốc điều hành Liên minh khí hậu và sức khỏe toàn cầu (GCHA) khẳng định: “Để phục hồi lành mạnh, chúng ta cần hiểu rằng sức khỏe của con người, sức khỏe của nền kinh tế và sức khỏe của hành tinh có mối liên hệ chặt chẽ với nhau. Khi vạch ra các chiến lược sử dụng một lượng lớn quỹ công nhằm khôi phục quốc gia, chính phủ các nước phải luôn nhận thức rõ về những mối liên hệ then chốt này và họ không được để áp lực từ doanh nghiệp làm giảm các tiêu chuẩn môi trường, gây ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe con người. Đây không phải là lúc quay trở lại với mô hình kinh doanh cũ, đây là lúc cần có những bước đi táo bạo để tạo ra một tương lai bảo vệ con người và cả hành tinh của chúng ta”.

Chính phủ các nước hiện nay có đủ năng lực thực hiện cú chuyển mình này trong 12 đến 18 tháng tới, tùy thuộc vào phương thức và lượng chi tiêu cho nền kinh tế. Các hội nghị thượng đỉnh quốc tế năm nay chính là dịp để các nhà lãnh đạo thế giới cùng thống nhất ưu tiên sức khỏe cộng đồng làm cốt lõi cho mọi nỗ lực phục hồi, bao gồm hội nghị G7 vào ngày 10/6, Hội đồng châu Âu vào ngày 18-19/6, cuộc họp giữa Quỹ Tiền tệ Quốc tế và Ngân hàng Thế giới vào ngày 16-18/10 và hội nghị thượng đỉnh G20 vào ngày 21-22/11.

Tiến sĩ Miguel R. Jorge, Chủ tịch Hiệp hội Y khoa Thế giới nói: “Hơn bao giờ hết, chúng tôi hiểu rằng để có cuộc sống khoẻ mạnh, chúng ta buộc phải có một hành tinh khoẻ mạnh. Khi bắt đầu bước vào con đường phục hồi, chúng ta không thể bỏ qua việc thiết lập một hệ thống ứng phó sẵn sàng bảo vệ chúng ta khỏi tác động tiêu cực trong tương lai. Đó là lý do tại sao chính phủ các nước phải quan tâm đến sức khỏe cộng đồng khi thảo luận về các gói phục hồi. Chúng ta cần một hướng tiếp cận toàn diện, một cuộc phục hồi xanh và lành mạnh, và chúng ta cần nó ngay bây giờ”.

Thanh Tâm