Liên Hợp Quốc hỗ trợ nhiều giải pháp giảm thiểu ô nhiễm nhựa

Thứ tư, 7/7/2021 | 11:40 GMT+7
Chương trình phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) đã tổ chức một cuộc thi nhằm tìm kiếm những giải pháp sáng tạo giảm thiểu ô nhiễm nhựa tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Cụ thể, để giải quyết vấn đề về nhựa đang ngày càng trầm trọng hiện nay, UNDP đã tổ chức cuộc thi Thử thách sáng tạo giảm thiểu ô nhiễm rác thải nhựa (EPPIC) lần thứ II, với sự hỗ trợ của Bộ Ngoại giao Na Uy và Cơ quan Hợp tác phát triển Na Uy.

Theo đó, EPPIC sẽ là cơ hội để các nhà tổ chức tìm ra nhiều sáng kiến giải quyết ô nhiễm rác thải nhựa đại dương, những sáng kiến này thường đang trong quá trình hoàn thiện nhưng thiếu sự hỗ trợ hay các nguồn lực để phát triển.

Tính đến nay, đã có hơn 140 đội tham gia EPPIC tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương, bao gồm các đội dự thi từ 7 quốc gia: Indonesia, Philippines, Singapore, Campuchia, Việt Nam, Malaysia và Thái Lan. Trong đó, 18 sáng kiến xuất sắc nhất đã được lựa chọn vào vòng chung kết.

Các đội lọt vào vòng chung kết EPPIC sẽ tham gia một khóa đào tạo ươm mầm kéo dài 3 tháng tại Philippines và Indonesia, bắt đầu từ tháng 7/2021. Họ sẽ được tập huấn về các chủ đề như: kinh tế tuần hoàn, cách đo lường tác động, các mục tiêu phát triển bền vững, marketing và gây quỹ cộng đồng, cách tận dụng hỗ trợ tài chính và mở rộng mạng lưới... Các đội sẽ có cơ hội cải thiện ý tưởng của mình để tăng cường tối đa sức ảnh hưởng và điều chỉnh các giải pháp sao cho phù hợp nhất với bối cảnh địa phương.

Rác thải nhựa đại dương ở Indonesia

Theo thông tin từ ban tổ chức, các giải pháp dự thi thử thách lần này trước mắt được thiết kế nhằm giải quyết vấn đề ở hai địa phương có lượng rác thải nhựa lớn trong khu vực là Mandalika, đảo Lombok (Indonesia) và đảo Samal (Philippines); sau đó nhân rộng ra phạm vi lớn hơn.

Ở Philippines, mỗi năm có gần 60 tỉ túi nilon nhỏ được sử dụng, trong đó đảo Samal thải ra gần 15.000 tấn rác hàng năm. Lượng rác phát thải hàng năm ở Indonesia ước tính vào khoảng 6,8 triệu tấn, trong đó Mandalika, đảo Lombok phát sinh gần 215,7 tấn rác thải sinh hoạt (trong thời kỳ dịch Covid-19). Trước dịch, tính riêng ngành du lịch ở khu vực này đã có tới 13.731 tấn rác mỗi năm. Cả hai địa phương này đều có rất đông khách du lịch trước đại dịch. Hai trong số các loại rác phổ biến nhất ở đây là chai nhựa PET và bao bì thực phẩm từ nhựa.

Bà Nani Hendiarti, phụ trách mảng môi trường và rừng, Bộ Điều phối các vấn đề Hàng hải và Đầu tư Indonesia cho biết, những thành quả thu được sau khi triển khai nhiều sáng kiến ở các quốc gia ASEAN trong cuộc thi sẽ là tài liệu tham khảo và động lực cho những “nhà cải tiến” ở Indonesia. Chúng tôi sẽ lập được danh sách các giải pháp và áp dụng những giải pháp phù hợp ở nước mình. Ngược lại, Indonesia cũng sẽ có sáng kiến có thể áp dụng ở các quốc gia láng giềng bởi chúng ta đang có cùng một vấn đề phải đối mặt là ô nhiễm nhựa.

Dự kiến, vòng chung kết của cuộc thi sẽ diễn ra vào tháng 10/2021. 4 đội thắng chung cuộc sẽ nhận được giải thưởng lên đến 18.000 USD, nguồn vốn này sẽ được sử dụng để triển khai giải pháp của họ tại đảo Lombok và Samal trong vòng 9 tháng đào tạo tăng tốc.

Mỹ Dung (T/H)