Sức khỏe

Liên Hợp Quốc thúc đẩy phân bổ bình đẳng vaccine đến các nước

Thứ tư, 2/3/2022 | 12:47 GMT+7
Mới đây, trong phiên họp cấp cao của khóa họp thường kỳ lần thứ 49 Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc (LHQ), vấn đề tiếp cận, phân bổ vaccine phòng Covid-19 tiếp tục được lãnh đạo các nước tập trung thảo luận.

Chủ tịch Đại hội đồng LHQ khóa 76 Abdulla Shahid nhận định, bất bình đẳng vẫn còn tồn tại trong việc tạo điều kiện cho người dân được tiếp cận với các loại thuốc men và cộng đồng quốc tế vẫn chưa thể đảm bảo cho tất cả mọi người tránh được dịch bệnh.

Theo Chủ tịch Đại hội đồng LHQ, mặc dù đã có hơn 10 tỷ liều vaccine được tiêm cho người dân trên thế giới - con số đủ để tiêm phòng cho tất cả dân số thế giới nhưng hiện có tới 83% người dân tại các nước châu Phi vẫn chưa được tiêm mũi vaccine đầu tiên.

Ông cho biết, hiện vẫn còn 27 nước trên thế giới có tỷ lệ tiêm phòng Covid-19 chưa tới 10% dân số, trong khi nhiều nước khác đã tiêm xong mũi thứ 3 cho người dân và mở cửa trở lại hoàn toàn nền kinh tế.

Cần phân bổ bình đẳng vaccine ngừa Covid-19 đến tất cả các nước

Phát biểu trực tuyến trong ngày khai mạc phiên họp cấp cao, Tổng thư ký LHQ António Guterres cho rằng, bình đẳng về tiếp cận đối với vaccine phòng Covid-19 là vấn đề quyền con người cấp bách, phải được bảo đảm. Do đó, ông yêu cầu Chính phủ các nước, các công ty dược phẩm và các đối tác cần có trách nhiệm hỗ trợ Tổ chức Y tế thế giới (WHO) nhằm sớm đạt được mục tiêu tiêm vaccine cho 70% người dân trên toàn thế giới. Tổng thư ký LHQ cũng kêu gọi các nước khi ban hành các chính sách xã hội cần dựa trên mục tiêu đảm bảo quyền và cơ hội cho tất cả mọi người; tập trung vào xóa đói, giảm nghèo, đầu tư cho giáo dục, bảo vệ quyền của phụ nữ và trẻ em; ứng phó với biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường và suy giảm đa dạng sinh học.

Tại buổi làm việc, Cao ủy Nhân quyền LHQ Michelle Bachelet kêu gọi cộng đồng quốc tế tập trung quan tâm đến các khía cạnh quyền con người trong bối cảnh đại dịch Covid-19,cũng như các vấn đề toàn cầu khác như ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu, gia tăng đói nghèo và xung đột vũ trang. Đồng thời, bà Michelle Bachelet cũng thể hiện niềm quan ngại về bảo đảm quyền con người, bảo đảm sinh mạng của người dân trong các cuộc xung đột vũ trang, gần đây nhất là xung đột Nga – Ukraine; từ đó yêu cầu các quốc gia tuân thủ luật pháp quốc tế. 

Trong khuôn khổ phiên họp cấp cao kéo dài đến ngày 2/3, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn làm trưởng đoàn Việt Nam đã tham dự và có phát biểu trực tuyến. Bộ trưởng giới thiệu cách tiếp cận, nỗ lực và thành tựu của Việt Nam trong bảo vệ và thúc đẩy quyền con người, qua đây khẳng định lại thông điệp của Việt Nam khi ứng cử làm thành viên Hội đồng Nhân quyền nhiệm kỳ 2023 - 2025.

Sau phiên họp cấp cao, khóa họp thường kỳ lần thứ 49 sẽ tiếp tục diễn ra tại Geneva, Thụy Sĩ đến ngày 1/4 theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến. Dự kiến khóa họp 49 có 8 phiên thảo luận chuyên đề, xem xét 96 báo cáo chuyên đề, các cuộc đối thoại với khoảng 40 thủ tục đặc biệt và các cơ chế nhân quyền của LHQ, thông qua quyết định bổ nhiệm 11 nhân sự cho các thủ tục đặc biệt, khoảng 24 nghị quyết và các báo cáo quốc gia của 13 nước về bảo vệ và thúc đẩy quyền con người theo Cơ chế rà soát định kỳ phổ quát, thảo luận về tình hình nhân quyền tại một số nước.

Huyền Dung (T/H)