Sức khỏe

Hướng dẫn chế độ dinh dưỡng cho F0 tự điều trị tại nhà

Thứ ba, 22/2/2022 | 14:33 GMT+7
Để đảm bảo tối đa sức khỏe cho người mắc Covid-19 (F0), Bộ Y tế đã có văn bản hướng dẫn theo dõi, chăm sóc đảm bảo chế độ dinh dưỡng đầy đủ, hạn chế diễn biến nặng, nguy kịch cho F0, nhất là F0 điều trị tại nhà.

Ngày 21/2, cả nước ghi nhận 46.880 ca nhiễm mới, riêng Thủ đô Hà Nội ghi nhận 5.477 ca Covid-19. Với lượng F0 tăng cao liên tiếp, việc chăm sóc, theo dõi thường xuyên và thực hiện chế độ dinh dưỡng đầy đủ để hạn chế diễn biến nặng, nguy kịch là rất cần thiết.

Đối với những trường hợp F0 không có triệu chứng hoặc thể nhẹ điều trị tại nhà, việc thực hiện, tuân thủ chế độ dinh dưỡng thật sự cần thiết. Dinh dưỡng giúp hỗ trợ và cải thiện "hàng rào" bảo vệ cơ thể như tế bào miễn dịch, các kháng thể, da, niêm mạc hô hấp, niêm mạc dạ dày làm tăng sức đề kháng.

Dưới đây là tài liệu Hướng dẫn chăm sóc F0 tại nhà được áp dụng để hướng dẫn cho F0 và người chăm sóc F0 tự thực hiện.

Chế độ dinh dưỡng cho F0 cần đầy đủ chất dinh dưỡng, vitamin, khoáng chất và nước

Trước hết là chế độ dinh dưỡng cho F0 nhẹ và không có triệu chứng. Với người trưởng thành, cần đảm bảo bổ sung đủ năng lượng 30 - 35 kcal/kg cân nặng/ngày, chất đạm 15 - 20% tổng năng lượng, chất béo 20 - 25% tổng năng lượng, chất đường bột 50 - 65% tổng năng lượng.

Cung cấp đầy đủ vitamin và khoáng chất theo lứa tuổi. Đặc biệt tăng cường các thực phẩm giàu vitamin A, C, D, E; các thực phẩm giàu kẽm và selen. Rau xanh 300g/ngày, hoa quả 200g/ngày. Chất xơ cung cấp 18 - 20g/ ngày. Muối 5g/ngày.

Uống nhiều nước (40 - 45ml/kg cân nặng/ngày), nên uống nước ấm và rải rác trong ngày, tránh tình trạng chỉ uống khi thấy khát, nên uống nước lọc, nước ép hoa quả. Người bệnh nếu sốt nên uống Orezol để bù nước và điện giải.

Đối với trẻ em, chế độ ăn cân đối hàng ngày nên có đủ 4 yếu tố chính: lipid; vitamin và khoáng chất; thành phần các chất sinh năng lượng (protein, lipid, carbohydrate); protein (protein động vật và thực vật).

Hàng ngày, trẻ phải ăn ít nhất 5 trong 8 nhóm thực phẩm (nhóm tinh bột, nhóm sữa và chế phẩm sữa, nhóm dầu mỡ, nhóm rau củ, nhóm thịt cá, nhóm trứng, nhóm các loại hạt, nhóm rau củ màu vàng - xanh thẫm).

Hạn chế ăn quá nhiều đồ ngọt và ăn quá mặn. Cung cấp đủ nước, đặc biệt nước trái cây tươi, tránh uống nước ngọt công nghiệp.

Cụ thể hơn, với các F0 điều trị tại nhà, hướng dẫn của Bộ Y tế nêu rõ:

Với F0 không có triệu chứng, chế độ ăn như người khỏe mạnh bình thường, bao gồm: ăn đủ nhu cầu, ăn đa dạng và phối hợp từ 15 - 20 loại thực phẩm, thay đổi thường xuyên các loại thực phẩm trong ngày. Khẩu phần ăn hàng ngày cần có sự phối hợp ở tỷ lệ cân đối giữa nguồn chất đạm động vật và thực vật (thịt, cá, trứng, sữa, tôm, cua, hải sản, đậu, đỗ...) cũng như chất béo động vật và thực vật.

Nên sử dụng các loại chất béo có nguồn gốc từ cá, các loại đậu đỗ, dầu thực vật, hạn chế các chất béo từ các thịt gia cầm như gà, vịt, thịt động vật như lợn, bò...

Nên sử dụng chất đạm đa dạng từ nhiều nguồn thực phẩm khác nhau và ngay cả trong một nguồn thực phẩm động vật hoặc thực vật.

Hạn chế các loại thịt đỏ 70 - 80g/ngày/người như bò, heo, cừu... tăng cường ăn thực phẩm lành mạnh như cá, hải sản, trứng, sữa và các chế phẩm của sữa, thịt gia cầm, các loại đậu đỗ, đậu tương và sản phẩm từ đậu tương...

Khẩu phần ăn hàng ngày cho F0 cần có sự phối hợp với tỷ lệ cân đối giữa nguồn chất đạm động vật và thực vật cũng như chất béo động vật và thực vật.

Trong đó, người trưởng thành nên ăn chất đạm động vật theo tỉ lệ khoảng 30% - 50% tổng số chất đạm, tỷ lệ lipid động vật/lipid tổng số là dưới 60%. Tuổi càng cao thì nên ăn lượng protein từ động vật vừa phải, cần bổ sung lượng protein hợp lý theo tỷ lệ là 1/3 đạm động vật và 2/3 đạm thực vật.

Trẻ nhỏ cần được bổ sung nguồn đạm động vật cần thiết cho sự tăng trưởng và phát triển, vì vậy lượng protein nên theo tỷ lệ là 2/3 đạm động vật và 1/3 đạm thực vật trong mỗi bữa ăn hàng ngày.

Tăng cường sử dụng rau xanh và hoa quả trong bữa ăn hàng ngày, vì các vitamin A, C , D, E và chất khoáng như sắt, kẽm… trong hoa quả có thể chống viêm, chống nhiễm trùng, nâng cao sức đề kháng và miễn dịch. Nhu cầu rau xanh 300 - 400 g/người/ngày và quả chín 200 - 300g.

Đối với F0 tự điều trị tại nhà, chế độ dinh dưỡng tùy thuộc vào tình trạng, triệu chứng bệnh

Với F0 có triệu chứng nhẹ như sốt, ho, mất khứu giác… cần phải quan tâm chế độ dinh dưỡng để tránh tình trạng thiếu dinh dưỡng, dẫn tới cơ thể bị suy kiệt, suy dinh dưỡng, đặc biệt là người cao tuổi, phụ nữ có thai, phụ nữ đang nuôi con bú.

Cần thực hiện ăn đủ nhu cầu, ăn đa dạng, cân đối các chất dinh dưỡng, số bữa từ 3 - 5 bữa/ngày. Ngoài chế độ dinh dưỡng tốt, cần tăng cường hoạt động thể lực phù hợp với sức khỏe, như tập thở, đi bộ hoặc chạy tại chỗ, phẩy tay, tập Yoga… thời gian khoảng 45 - 60 phút/ngày và 2 lần/ngày.

Do yếu tố tinh thần và dấu hiệu của nhiễm Covid-19 mà người bệnh thường mệt mỏi, chán ăn, ăn không ngon, vì vậy cần ăn nhiều bữa trong ngày, khoảng 5 bữa/ngày, không ăn quá no có thể gây khó thở (dễ nhầm lẫn với diễn biến của bệnh)

Với F0 có bệnh lý nền như đái tháo đường, tăng huyết áp, thừa cân béo phì… ngoài việc tuân thủ phác đồ điều trị bệnh của bác sĩ, cần có chế độ ăn hợp lý giúp hạn chế và đẩy lùi tình trạng diễn biến của bệnh. Mỗi một bệnh nền sẽ có chế độ dinh dưỡng khác nhau, vì vậy người bệnh cần thực hiện theo tư vấn của bác sĩ dinh dưỡng.

Với F0 có triệu chứng nặng, F0 cần điều trị tại các cơ sở bệnh viện, chế độ dinh dưỡng hoàn toàn phụ thuộc mức độ của triệu chứng để thực hiện chế độ chăm sóc dinh dưỡng cho phù hợp và theo chế độ ăn điều trị của bệnh viện.

Nếu F0 tỉnh táo thì có thể chủ động ăn uống. F0 bị rối loạn ý thức và không tự ăn thì việc cho ăn qua ống sonde dạ dày hoặc bổ sung dinh dưỡng bằng đường truyền tĩnh mạch.

F0 sau thời gian điều trị Covid-19 có nguy cơ bị suy dinh dưỡng ở các mức độ khác nhau khiến cơ thể bị suy kiệt, giảm sức đề kháng và dễ mắc các bệnh nhiễm trùng. Vì vậy, dinh dưỡng cũng rất quan trọng với người sau khi điều trị.

Khả Như