Văn hóa, du lịch

Liên kết, hợp tác phát triển du lịch vùng Đông Nam Bộ

Thứ sáu, 2/12/2022 | 15:03 GMT+7
Mới đây, các tỉnh Đông Nam Bộ đã tổ chức hội nghị sơ kết thực hiện thỏa thuận, liên kết, hợp tác phát triển du lịch vùng Đông Nam Bộ giai đoạn 2020 - 2025.

Theo thỏa thuận, liên kết, hợp tác, các tỉnh, thành phố vùng Đông Nam Bộ phối hợp tổ chức các tour du lịch đến một số địa điểm nổi tiếng như: Hồ Tràm Grand Strip - suối nước nóng Bình Châu - Hồ Tràm Melia - Six sense Côn Đảo; các tour du lịch thành phố Hồ Chí Minh - Đồng Nai - Bà Rịa - Vũng Tàu.

Bên cạnh đó, các tỉnh cũng khảo sát xây dựng kết nối sản phẩm du lịch như du lịch tàu hỏa - tàu thủy, du lịch sinh thái, trải nghiệm tour du lịch đường sông tại các tỉnh, thành phố. Tổ chức hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch thông qua những sự kiện, tuần lễ văn hóa về du lịch, đồng thời tăng cường quảng bá du lịch vùng Đông Nam Bộ trên các kênh truyền thông du lịch. Phối hợp triển khai đề án du lịch thông minh trong công tác quảng bá du lịch.

 Hội nghị sơ kết thực hiện thỏa thuận, liên kết, hợp tác phát triển du lịch vùng Đông Nam Bộ

Tại hội nghị, lãnh đạo các tỉnh trong vùng Đông Nam Bộ, chuyên gia kinh tế, các nhà làm du lịch đã thảo luận xoay quanh vấn đề xây dựng sản phẩm du lịch đặc trưng của các tỉnh, thành phố và đặc trưng của vùng Đông Nam Bộ. Theo bà Phan Thị Thắng, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh, nhận định tốc độ du lịch phát triển chưa xứng với tiềm năng của vùng giàu văn hóa, lịch sử, đa dạng về tài nguyên du lịch do đó Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh trong vùng cần xây dựng tuyến du lịch “Con đường du lịch Đông Nam Bộ”; xây dựng những sản phẩm du lịch phù hợp với “6 địa phương 1 điểm đến”.

Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đoàn Văn Việt cho biết, trong 7 vùng du lịch của Việt Nam, Đông Nam Bộ là vùng phát triển kinh tế năng động, nơi hội tụ đa dạng tài nguyên du lịch với lợi thế rừng, biển, sông, hồ; hệ thống di tích văn hóa, lịch sử, làng nghề để phát triển nhiều loại hình du lịch. Do đó, hoạt động liên kết không chỉ đem lại sự đa dạng hóa sản phẩm mà còn khai thác được sự nổi trội về sản phẩm du lịch giữa các địa phương.

Theo đó, các địa phương, doanh nghiệp cần triển khai có hiệu quả và thực chất những thỏa thuận hợp tác đã được ký kết, phát huy tiềm năng, thế mạnh du lịch của các địa phương theo chủ trương Nghị quyết số 24-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội vùng Đông Nam Bộ. Cần tích cực khai thác, trao đổi khách du lịch giữa các địa phương trong vùng; làm rõ nét hơn nữa những đặc sắc của vùng, hình thành các chương trình du lịch hấp dẫn, thu hút quan tâm, khám phá của du khách trong và ngoài nước. Thúc đẩy đầu tư kết cấu hạ tầng, kết nối giữa thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành phố trong vùng; hình thành những điểm đến vệ tinh, gần với trung tâm du lịch thành phố Hồ Chí Minh; từng bước hiện đại hóa, nâng cao chất lượng của hệ thống cơ sở vật chất du lịch cho toàn vùng.

Huyền Dung (T/H)