Sản phẩm, công nghệ

“Make in Vietnam” thúc đẩy quốc gia chuyển đổi số toàn diện

Thứ ba, 29/12/2020 | 17:07 GMT+7
Các nền tảng “Make in Vietnam” chính là những công cụ quan trọng giúp chính quyền, doanh nghiệp và người dân tham gia vào công cuộc chuyển đổi số.

Theo thống kê của Cục Tin học hóa, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT), công nghệ AI hiện là lĩnh vực có nhiều sản phẩm, dịch vụ “Make in Vietnam” nhất (8 nền tảng), kế đó là Điện toán đám mây (6 nền tảng) và Hội nghị trực tuyến (5 nền tảng). 

Đây đều là các sản phẩm, dịch vụ được tạo ra bởi những doanh nghiệp công nghệ số xuất sắc. Những nền tảng này cho phép tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp có thể sử dụng ngay các công nghệ số dưới dạng dịch vụ thay vì phải tự đầu tư nghiên cứu, phát triển, vận hành.

Nền tảng “Make in Vietnam” giúp chuyển đổi số ngành y tế

Các cuộc tấn công của virus và mã độc máy tính đã và đang gây ra nhiều thiệt hại cho các doanh nghiệp, tổ chức trên phạm vi toàn cầu. Riêng trong năm 2019, một thống kê cho thấy, Việt Nam thiệt hại hơn 20.000 tỉ đồng do virus và mã độc máy tính.

Trong bối cảnh đó, CMC Malware Detection and Defense (CMDD) ra đời. Đây là giải pháp giám sát, bảo vệ hệ thống công nghệ thông tin thế hệ mới dành cho doanh nghiệp, tổ chức và đã được triển khai cho các cơ quan Chính phủ, khối an ninh quốc phòng, nhiều địa phương và tập đoàn lớn ở Việt Nam. 

Giải pháp giúp giám sát theo thời gian thực toàn bộ tình trạng hệ thống đến từng máy tính trong hệ thống, ngăn chặn hiệu quả các loại mã độc, phát hiện tấn công và phòng chống xâm nhập, đồng thời cho phép thiết lập các chính sách an toàn thông tin; cho phép kết nối chia sẻ thông tin với trung tâm Giám sát an ninh mạng quốc gia.

Mới đây, giải pháp bảo mật CMDD vừa được Virus Bulletin (Anh) xác nhận đạt chứng chỉ VB100. Vượt qua nhiều đối thủ đình đám trong và ngoài nước, đứng ngang hàng với các sản phẩm hàng đầu thế giới trong lĩnh vực an ninh an toàn thông tin như Avast Free Antivirus, G DATA Antivirus... sản phẩm bảo mật "Make in Vietnam" này đã khẳng định vị thế toàn cầu của CMC trong mảng bảo mật.

Phó cục trưởng Cục An toàn thông tin, Bộ TT&TT Nguyễn Khắc Lịch cho biết: "Việc một sản phẩm phát hiện, phòng, chống tấn công mã độc của Việt Nam đạt được một chứng chỉ quốc tế uy tín với kết quả xuất sắc là một dấu mốc quan trọng, ghi nhận chiến lược “Make in Vietnam” đã bước đầu có những thành công nhất định".

Bên cạnh đó, năm 2020 cũng ghi nhận sự ra mắt của 38 nền tảng “Make in Vietnam”. Những nền tảng này được Bộ TT&TT thiết kế nhằm mục tiêu thúc đẩy sự phát triển của các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam, đưa nhiều nền tảng số hữu ích đến với doanh nghiệp và người dân, thúc đẩy chuyển đổi số trong mọi lĩnh vực đời sống, kinh tế - xã hội.

Khả Di