Phát biểu khai mạc buổi lễ, Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà cho biết: “Hồi sinh: cùng hành động vì đại dương” được lựa chọn làm chủ đề của Ngày Đại dương thế giới 2022. Chủ đề nhằm nhấn mạnh việc nhân loại cần khẩn trương chung tay hành động để hồi sinh đại dương, phục hồi các hệ sinh thái biển, bảo tồn tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường biển, mang lại sức sống mới cho đại dương, qua đó kiến tạo tương lai bền vững của con người và muôn loài”.
Theo Bộ trưởng Trần Hồng Hà, Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam năm 2022 với chủ đề “Phát triển bền vững kinh tế biển gắn với bảo tồn đa dạng sinh học và các hệ sinh thái biển” do Bộ TN&MT, Ban Kinh tế Trung ương, UBND tỉnh Phú Yên tổ chức phát động thể hiện trách nhiệm và nỗ lực của Việt Nam trong nỗ lực chung toàn cầu về bảo vệ, phục hồi đại dương. Do đó, chúng ta hãy cùng nhau cam kết hành động vì màu xanh của biển, của trời Tổ quốc và vì các đại dương trên trái đất. Mỗi hành động dù nhỏ nhất vì biển và đại dương hôm nay chính là bảo vệ, bảo tồn và phát triển tương lai bền vững cho các thế hệ mai sau.
Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết, Bộ TN&MT sẽ tiếp tục phối hợp thực chất, hiệu quả với các ban, bộ, ngành và các địa phương trên cả nước trong việc tuyên truyền, phổ biến chủ trương của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước và pháp luật quốc tế liên quan tới biển, đảo; khơi dậy niềm tự hào, phát huy tính sáng tạo, tinh thần lao động của nhân dân, góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc; từng bước nâng cao chất lượng sống cho người dân, đặc biệt là người dân ven biển.
Lễ mít tinh kỷ niệm Ngày Đại dương thế giới, Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam năm 2022 tại thành phố Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Nhân dịp này, Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà đã đề nghị các ban, bộ, ngành Trung ương, địa phương, cộng đồng doanh nghiệp và người dân, các tổ chức quốc tế thống nhất trong nhận thức và hành động để ứng xử một cách có trách nhiệm với biển và đại dương theo chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, coi đây tiêu chuẩn về đạo đức, văn hóa của mỗi cộng đồng, doanh nghiệp và người dân; thúc đẩy hơn nữa việc phát triển các cộng đồng văn minh sinh thái biển.
Thực hiện quản lý, bảo vệ và phát triển bền vững biển và hải đảo, phát triển các ngành kinh tế biển nhằm thu hút mạnh hơn các nguồn lực đầu tư; chú trọng phát triển nuôi biển xa bờ tại các đảo tiền tiêu; đẩy mạnh nuôi trồng và khai thác có trách nhiệm tại các vùng biển xa bờ và viễn dương phù hợp với từng vùng biển, khả năng phục hồi của hệ sinh thái.
Các địa phương có biển cần phát triển các khu bảo tồn biển tại các đảo tiền tiêu, kết hợp bảo tồn đa dạng sinh học biển và khẳng định chủ quyền quốc gia trên biển; khuyến khích sự tham gia của toàn xã hội vào công tác bảo tồn đa dạng sinh học biển, phục hồi các hệ sinh thái biển, đặc biệt là các rạn san hô, thảm cỏ biển, rừng ngập mặn, rừng phòng hộ ven biển.
Xử lý tốt các nguồn gây ô nhiễm môi trường biển và đại dương từ đất liền, nhất là rác thải nhựa, thông qua việc tăng cường kiểm soát việc thu gom, vận chuyển, xử lý trên đất liền, khu vực ven biển và các đảo; tăng cường sức chống chịu và khả năng thích ứng với những tác động tiêu cực do biến đổi khí hậu, nước biển dâng gây ra.
Thúc đẩy các hoạt động hợp tác, quan hệ với các đối tác, tổ chức quốc tế nhằm giải quyết những vấn đề về tài nguyên, môi trường biển và hải đảo; phát triển bền vững kinh tế biển, đan xen lợi ích để bảo vệ các quyền và lợi ích của Việt Nam; tham gia tích cực và chủ động vào các cơ chế hợp tác quốc tế liên quan đến biển và đại dương.
Đẩy mạnh công tác phục hồi, bảo tồn các hệ sinh thái biển nhằm hướng đến phát triển bền vững kinh tế biển
Tại Lễ mít tinh, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh đề nghị, để thực hiện thành công các mục tiêu phát triển bền vững kinh tế biển, bảo đảm hài hòa giữa phát triển kinh tế với bảo vệ tài nguyên thiên nhiên và môi trường biển, chủ quyền biển và hải đảo, các bộ, ngành, địa phương cần đánh giá tổng quan, nhận diện cụ thể những thách thức về bảo vệ chủ quyền, khai thác bền vững tài nguyên biển, hải đảo để từ đó đề ra chính sách giải quyết hiệu quả.
Bên cạnh đó, các cơ quan liên quan tiếp tục quán triệt sâu sắc, tăng cường triển khai đồng bộ các khâu đột phá, giải pháp chủ yếu về phát triển bền vững kinh tế biển tại Nghị quyết số 36-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Các bộ, ngành và địa phương, đặc biệt là Phú Yên và 27 tỉnh, thành phố có biển phải lấy kinh tế biển là động lực để phục hồi các hoạt động kinh tế - xã hội và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế đất nước, kinh tế địa phương sau đại dịch Covid-19; lấy doanh nghiệp làm trung tâm, khuyến khích hình thành, phát triển các tập đoàn kinh tế lớn đầu tư trong các ngành/lĩnh vực kinh tế biển. Cùng với đó là xây dựng lực lượng bảo vệ chủ quyền, thực thi pháp luật trên biển vững mạnh, chủ động bảo vệ chủ quyền biển, đảo từ sớm, từ xa; tăng cường quan hệ với các đối tác chiến lược, đối tác toàn diện và các nước bạn bè truyền thống, các nước có tiềm lực về biển; hoàn thiện thể chế phát triển bền vững kinh tế biển, ưu tiên hoàn thiện hành lang pháp lý, đổi mới, phát triển mô hình tăng trưởng xanh, bảo vệ môi trường, nâng cao năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh quốc tế của các ngành kinh tế biển, các vùng biển, ven biển…
Ông Trần Hữu Thế, Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên cho biết: Hưởng ứng kỷ niệm Ngày Đại dương thế giới, Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam năm 2022, tỉnh Phú Yên đã và đang từng bước khắc phục những tồn tại, hạn chế, hướng đến phát triển kinh tế biển xanh bền vững. Cụ thể, tỉnh đã tích cực tuyên truyền, nâng cao hơn nữa nhận thức về bảo vệ môi trường nói chung, môi trường biển, đảo và đại dương nói riêng cho mọi tầng lớp nhân dân. Biến nhận thức về bảo vệ môi trường và tấm lòng yêu biển, đảo thành ý thức tự giác và hành động cụ thể như: làm vệ sinh, bảo vệ môi trường, trồng nhiều cây xanh hoặc đơn giản là không thải rác nhựa xuống biển…