Nông nghiệp sạch

Mở rộng thị trường nông sản hướng xuất khẩu

Thứ năm, 15/12/2022 | 08:49 GMT+7
Mới đây, Văn phòng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đã phối hợp tổ chức tọa đàm Mở cửa thị trường nông sản - cơ hội từ những thị trường khó tính, nhằm phân tích lợi thế, kết quả xuất khẩu nông sản thời gian qua, từ đó định hướng giải pháp phù hợp.

Theo Phó Giám đốc Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam Đào Thế Anh, năm 2022 là năm nhiều khó khăn, thách thức nhưng ngành nông nghiệp cũng đạt nhiều thành tích ngoạn mục. Đó là kết quả của quá trình tích lũy nhiều năm từ sự bền vững của ngành. Đặc biệt, ngành nông nghiệp luôn xác định sẽ gặp nhiều rủi ro do thiên tai, biến đổi khí hậu, dịch bệnh... nhưng may mắn là năm nay không bùng phát các loại dịch bệnh lớn, thời tiết cũng tương đối thuận lợi để phát triển nông, lâm, thủy sản.

Tọa đàm Mở cửa thị trường nông sản - cơ hội từ những thị trường khó tính

Cục trưởng Cục Trồng trọt, Bộ NN&PTNT Nguyễn Như Cường cho biết, năm 2022, Bộ NN&PTNT đã xác định việc xuất khẩu nông sản đi các nước phải đối mặt với nhiều khó khăn. Do đó, Bộ đã xây dựng kế hoạch sản xuất bài bản, từ khâu phát triển thị trường, duy trì và mở rộng thị trường.

Theo ông Nguyễn Như Cường, trong kế hoạch sản xuất 2023, Cục Trồng trọt tích cực phối hợp với các cơ quan chuyên môn để xây dựng các biện pháp cụ thể nhưng sẽ xoay quanh tiêu chí bảo đảm an ninh lương thực quốc gia. Cụ thể, bảo đảm sản xuất 43 triệu tấn thóc, trên 1 triệu ha rau, 1 triệu ha quả cùng với phát triển cây công nghiệp.

Dựa trên phân tích những kết quả, hạn chế trong năm 2022, Cục sẽ có những định hướng cụ thể đối với từng ngành hàng. Từ định hướng sản xuất phục vụ nhu cầu trong nước, Cục sẽ phối hợp với các Cục, Vụ, Viện của Bộ NN&PTNT để xây dựng phương án xuất khẩu nông sản năm 2023.

Theo đó, các doanh nghiệp cần chủ động xây dựng vùng nguyên liệu, thương hiệu cho các sản phẩm; công tác xúc tiến thương mại cũng cần được xúc tiến để nông sản Việt Nam thâm nhập thị trường lớn.

Tại tọa đàm, Phó Giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam, Bộ NN&PTNT Ngô Xuân Nam đánh giá, Việt Nam tham gia 17 hiệp định tự do, nhiều hiệp định gắn với các thị trường lớn như Mỹ nên tầm xa cho thị trường nông sản sẽ đa dạng. Khi đa dạng hóa thị trường thì phải sản xuất theo thị trường, phải xây dựng các liên kết. Theo đó, Bộ NN&PTNT sẽ phối hợp các doanh nghiệp, địa phương xây dựng vùng sản xuất, chuỗi sản xuất quy mô lớn, chất lượng tốt; đẩy mạnh việc cung cấp thông tin về thị trường và việc liên kết các hiệp hội để giải quyết vấn đề chống bán phá giá, quyền lợi...

Mỹ Dung