Năng lượng sạch

Năm 2020 sẽ đấu thầu điện mặt trời

Thứ hai, 20/1/2020 | 15:38 GMT+7
Ông Hoàng Tiến Dũng, Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo, Bộ Công Thương cho biết, Bộ Công Thương đang hoàn thiện, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét phê duyệt cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời áp dụng cho một số dự án phù hợp. Đối với các dự án khác sẽ áp dụng cơ chế đấu thầu.

Ông Hoàng Tiến Dũng - Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo, Bộ Công Thương

Nhân dịp Tết Nguyên đán Canh Tý 2020, Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo Hoàng Tiến Dũng đã có những chia sẻ liên quan tới lĩnh vực này đối với Tạp chí Năng lượng Sạch Việt Nam.

Năm 2019 được coi là năm bùng nổ của năng lượng tái tạo đặc biệt là năng lượng mặt trời, xin ông cho biết thực trạng phát triển loại hình năng lượng này ở Việt Nam hiện nay?

Chiến lược phát triển năng lượng tái tạo của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 nêu rõ mục tiêu “Tăng tỷ lệ điện năng sản xuất từ năng lượng tái tạo trong tổng điện năng sản xuất toàn quốc tăng từ khoảng 35% vào năm 2015 tăng lên khoảng 38% vào năm 2020; đạt khoảng 43% vào năm 2050” (Mục tiêu này bao gồm cả điện năng sản xuất từ thủy điện).

Để đạt được các mục tiêu này, Bộ Công Thương đã tham mưu, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành các cơ chế khuyến khích phát triển điện gió, điện sinh khối, phát điện từ chất thải rắn và điện mặt trời: Áp dụng giá mua ưu đãi cố định (FIT) trong 20 năm (điện gió trên bờ: 8,5 UScent/kWh; điện gió ngoài khơi 9,8 UScent/kWh áp dụng cho các dự án có ngày vận hành thương mại trước ngày 01/11/2021, điện sinh khối công nghệ đồng phát nhiệt điện: 5,8 UScent/kWh; đốt rác phát điện: 10,05 UScent/kWh, điện mặt trời 9,35 UScent/kWh (áp dụng cho các dự án có ngày vận hành thương mại trước ngày 01/7/2019, đã hết hiệu lực từ ngày 01/7/2019).  Giá bán điện được cố định theo đồng USD, thanh toán bằng VND theo tỷ giá tại thời điểm thanh toán. Hợp đồng mua bán điện mẫu do Bộ Công Thương ban hành. Ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế sử dụng đất ở mức cao nhất theo quy định hiện hành.

Chính vì vậy, năm 2019 năng lượng tái tạo có sự phát triển sôi động. Đến hết năm 2019, tổng số công suất lắp đặt các dự án điện năng lượng tái tạo trên toàn quốc đạt hơn 6.000 MW, với khoảng 4.500 MW điện mặt trời quy mô lớn và khoảng 350 MW điện mặt trời áp mái, 440 MW điện gió, 340 MW điện sinh khối và gần 10 MW điện từ chất thải rắn.

Cánh đồng điện gió Bạc Liêu

Vừa qua, một vấn đề phát sinh đó là quá tải lưới điện truyền tải trong quá trình phát triển nóng điện mặt trời, Bộ Công Thương đã giải quyết vấn đề này như thế nào để giúp các doanh nghiệp giải tỏa công suất các nhà máy?

Trong quá trình xem xét bổ sung quy hoạch các dự án điện mặt trời, Bộ Công Thương đã xem xét bổ sung cả các dự án đường dây truyền tải, cấp 110 - 220 - 500 kV. Quy hoạch phát triển các nhà máy điện mặt trời và quy hoạch lưới điện đấu nối, giải tỏa công suất các nhà máy được phê duyệt đồng bộ với nhau.

Tuy nhiên thực tế các dự án điện mặt trời triển khai rất nhanh trong thời gian qua để được hưởng mức giá 9,35 Uscent/kWh trước thời điểm 30/6/2019. Có dự án chỉ làm trong 6 tháng, thậm chí 4 tháng đã xong. Trong khi đó, các dự án đường dây thường mất lâu hơn. Đường dây 110 kV mất tầm 2 năm từ chuẩn bị đầu tư tới lúc hoàn thành, đường dây 220 kv mất từ 2 - 3 năm và đường dây 500 kV mất từ 3 - 5 năm, nên đã có chuyện không đồng bộ giữa đường dây truyền tải với các dự án điện mặt trời.

Sự không đồng bộ giữa nguồn và lưới nêu trên dẫn đến tình trạng một số nhà máy điện mặt trời không phát được hết công suất do các công trình lưới điện đấu nối giải tỏa tương ứng chưa hoàn thành.

Để giải quyết vấn đề trên, Bộ Công Thương đã trình và được Thủ tướng Chính phủ đồng ý bổ sung 15 công trình lưới điện truyền tải vào quy hoạch phát triển điện lực quốc gia; phê duyệt danh mục các công trình lưới 110 kV cần thực hiện để giải tỏa công suất các nguồn năng lượng tái tạo trong Quy hoạch phát triển điện lực tỉnh Ninh Thuận và Bình Thuận.

Cùng với đó, Bộ Công Thương liên tục đôn đốc EVN và các đơn vị thành viên khẩn trương đẩy nhanh tiến độ các công trình lưới điện nhằm giải tỏa công suất các nhà máy điện mặt trời khu vực Ninh Thuận và lân cận. Các trung tâm điều độ hệ thống điện cũng nghiên cứu các phương thức vận hành nguồn, lưới điện để có thể có phương thức tối ưu hấp thụ tối đa công suất phát của các nhà máy…

Về lâu dài, Bộ đang thực hiện các nghiên cứu về giải tỏa công suất các nguồn điện năng lượng tái tạo (gió, mặt trời) cho các khu vực có tiềm năng lớn. Hiện tại đã có các kết quả bước đầu cho khu vực Tây Nam Bộ. Tiếp tới, sẽ có kết quả nghiên cứu của các khu vực còn lại. Ngoài ra, EVN cũng có các nghiên cứu tương tự cho khu vực tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận.

Dựa trên các nghiên cứu này, Bộ Công Thương sẽ khuyến nghị các giải pháp để đồng bộ tiến độ giữa nguồn và lưới điện giải tỏa công suất, tránh tình trạng xảy ra như hiện nay.

Bên cạnh đó, công tác quy hoạch, nhất là Quy hoạch điện VIII cũng sẽ được nghiên cứu thực hiện bài bản hơn. Trong đó đề xuất rõ quy mô và tiến độ của nguồn và lưới điện. Trong trường hợp đánh giá lưới điện khu vực theo quy hoạch chưa đáp ứng được tiến độ so với nguồn điện thì chưa cho phép bổ sung các nguồn điện.

Nhiều dự án điện mặt trời, điện gió đã đi vào hoạt động

Bộ Công Thương đang triển khai lập Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045 (Quy hoạch điện VIII). Ông có thể cho biết, Quy hoạch điện VIII có gì khác các quy hoạch trước và dự kiến cơ cấu nguồn điện ở quy hoạch mới này như thế nào?

Nhiệm vụ lập Quy hoạch điện VIII đã đưa ra các quan điểm quy hoạch phát triển điện lực như sau: Điện lực phải phát triển trước một bước để đảm bảo cung ứng điện phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng của đất nước;  Đảm bảo sự tham gia của các thành phần kinh tế trong phát triển điện lực, đặc biệt là các thành phần kinh tế tư nhân; Quy hoạch có tính mở, xác định danh mục những nguồn điện lớn, quan trọng cấp quốc gia, danh mục lưới điện truyền tải quan trọng ở cấp điện áp từ 220 kV trở lên và các dự án ưu tiên đầu tư trong giai đoạn 2021 - 2030; định hướng phát triển nguồn điện theo miền, theo vùng và theo cơ cấu công suất các nguồn điện trong giai đoạn 2031 - 2050, định hướng phát triển lưới điện truyền tải ở cấp điện áp từ  220 kV trở lên trong giai đoạn 2031 - 2050.      

Như vậy, Quy hoạch điện VIII sẽ mang tính động, mở hơn so với các Quy hoạch điện trước đây, tạo điều kiện cho các dự án nguồn, lưới điện kịp thời phát triển đáp ứng cho phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng. Ngoài ra, sẽ định hướng chú ý đến sự tham gia của các thành phần kinh tế tư nhân, coi đây là nhân tố quan trọng trong phát triển các nguồn, lưới điện, trong đó có lưới điện truyền tải.

Về cơ cấu nguồn điện trong Quy hoạch điện VIII, đây là bài toán tổng thể cần được nghiên cứu kỹ lưỡng để cân đối giữa cung cấp năng lượng - kinh tế - bảo vệ môi trường, đảm bảo an ninh năng lượng trên cơ sở bài toán tối ưu, cực tiểu chi phí xã hội. Hiện tại, chưa thể nói trước dự kiến cơ cấu nguồn điện thế nào, tuy nhiên sẽ theo hướng đa dạng hóa các nguồn điện trong nước kết hợp nhập khẩu, chú trọng phát triển năng lượng tái tạo, giảm bớt tỷ trọng nhiệt điện than và có tỷ lệ hợp lý đối với các nguồn điện sử dụng khí thiên nhiên.

Một trong những vấn đề được các nhà đầu tư hiện nay đang quan tâm đó chính là biểu giá FIT mua điện mặt trời cũng như cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời thay thế Quyết định 11 đã hết hiệu lực để họ có cơ sở, căn cứ pháp lý triển khai các thủ tục tiếp theo. Là một trong những đơn vị tham mưu cho Bộ Công Thương, Chính phủ, xin ông cho biết cơ quan chức năng trong thời gian tới sẽ có những giải pháp như thế nào cho các nhà đầu tư?

Để nghiên cứu đề xuất giá bán điện mặt trời tiếp theo Quyết định 11, từ giữa 2018, Bộ Công Thương phối hợp với tư vấn quốc tế do Chính phủ CHLB Đức hỗ trợ để tiến hành nghiên cứu, rà soát, cập nhật, dự báo giá thiết bị, chi phí đầu tư, tiềm năng bức xạ từng khu vực... để tính toán đề xuất giá bán điện mặt trời.

Ngày 03/5/2019 Bộ Công Thương đã có Tờ trình 3061/TTr-BCT trình Thủ tướng Chính phủ dự thảo Quyết định về cơ chế khuyến khích phát triển các dự án điện mặt trời. Tiếp sau đó, Bộ Công Thương đã có các báo cáo bổ sung số 65/BC-BCT ngày 18/6/2019, 119/BC-BCT ngày 19/9/2019.

Trên cơ sở ý kiến chỉ đạo cuộc họp Thường trực Chính phủ ngày 13/11/2019, Bộ Công Thương đã hoàn thiện dự thảo, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét vào ngày 31/12/2019.

Đối với các dự án điện mặt trời khác sẽ chuyển sang áp dụng cơ chế đấu thầu theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Điện mặt trời áp mái được quan tâm đầu tư và nhận được sự ủng hộ của nhân dân

Xin ông cho biết định hướng phát triển lĩnh vực năng lượng tái tạo năm 2020 tại Việt Nam?

Năm 2020, lĩnh vực năng lượng tái tạo tại Việt Nam sẽ có những điều chỉnh phù hợp hơn. Cụ thể, đối với điện mặt trời, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương đang hoàn thiện, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét phê duyệt cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời áp dụng cho một số dự án phù hợp. Đối với các dự án khác sẽ áp dụng cơ chế đấu thầu.

Bộ Công Thương đang phối hợp với ngân hàng phát triển Châu Á, nghiên cứu, thí điểm đấu thầu dự án điện mặt trời nổi trên hồ thủy điện. Dự kiến trong năm 2020 sẽ báo cáo Thủ tướng Chính phủ để tiến hành đầu thầu thí điểm.

Đối với điện gió, hiện tại các dự án điện gió có ngày vận hành thương mại trước ngày 01/11/2021 đang được áp dụng cơ chế khuyến khích quy định tại Quyết định số 37/2011/QĐ-TTg ngày 29/6/2011 của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế khuyến khích phát triển các dự án điện gió tại Việt Nam và Quyết định 39/2018/QĐ-TTg ngày 10/ 9/2018 sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 37/2011/QĐ-TTg. Từ ngày 01/11/2021, các dự án điện gió sẽ áp dụng cơ chế đấu thầu.

Về điện sinh khối: ngày 11/12/2019, Bộ Công Thương đã trình Thủ tướng Chính phủ dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 24/2014/QĐ-TTg ngày 24/3/2014 về cơ chế hỗ trợ phát triển các dự án điện sinh khối tại Việt Nam.

Về điện chất thải rắn: theo kế hoạch năm 2020, với sự hỗ trợ của Cơ quan hợp tác Đức (GIZ), Bộ Công Thương sẽ tiến hành đánh giá toàn diện hiện trạng, khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai Quyết định số 31/2014/QĐ-TTg ngày 05/5/2014 của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế hỗ trợ phát triển các dự án phát điện sử dụng chất thải rắn tại Việt Nam. Từ đó, Bộ sẽ báo cáo Thủ tướng Chính phủ về đề xuất giải pháp thúc đẩy phát triển điện chất thải rắn tại Việt Nam.

Xin trân trọng cảm ơn ông!

T. Phương (thực hiện)