Năng lượng tái tạo

Việt Nam sẽ cần khoảng 140 tỷ USD đầu tư năng lượng mới cho đến năm 2030

Thứ ba, 14/1/2020 | 11:10 GMT+7
Theo báo cáo của Nhóm công tác Điện và Năng lượng, Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam thường niên (VBF) được công bố tại Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam thường niên 2019 mới đây, Việt Nam sẽ cần khoảng 12 tỷ USD mỗi năm, trong đó khoảng 9 tỷ cho đầu tư nguồn điện, 3 tỷ USD đầu tư cho lưới điện.

Chuyển hướng phát triển năng lượng tái tạo

Trong những năm gần đây, việc phát triển nguồn điện đã đáp ứng nhu cầu năng lượng cho phát triển kinh tế xã hội bền vững. Tuy nhiên, nguồn điện này phần lớn được sản xuất từ thủy điện và điện than. Hiện tại, Chính phủ và các đối tác đang dần chuyển hướng, chú trọng nhiều hơn vào năng lượng tái tạo, bền vững và không phát thải để thúc đẩy sử dụng điện hiệu quả, nâng cao ý thức bảo vệ tài nguyên thiên nhiên.

Chất lượng không khí Việt Nam kém đi nhanh chóng trong thập kỷ qua, được đánh giá thuộc nhóm kém nhất thế giới. Vì vậy, thúc đẩy các nguồn năng lượng sạch, giảm và tiến tới không phát thải CO2 là biện pháp cơ bản để giải quyết các vấn đề này.

Mở rộng các nguồn năng lượng tái tạo là phương án khả thi về mặt tài chính và phục vụ cho lợi ích công cộng. Chính phủ Việt Nam đã đáp ứng được với mục tiêu năng lượng bền vững trong việc huy động thêm 4500 MW điện mặt trời và 400 MW điện gió trong vòng 2 năm.

Tuy nhiên, theo ước tính, mức độ sử dụng năng lượng tái tạo (không bao gồm thủy điện) có thể chiếm tới 30% công suất điện vào năm 2030, đặt mục tiêu 10 GW thông qua lưới điện. Điều này yêu cầu nguồn ngân sách lớn, trở thành mối quan tâm đặc biệt, đòi hỏi chính phủ phải xây dựng các văn bản pháp luật hỗ trợ và khuyến khích đầu tư tư nhân vào Việt Nam. 

Các chuyên gia tham gia thảo luận trong Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam thường niên 2019 

Lợi ích thu được bước đầu

Nếu đẩy mạnh phát triển năng lượng tái tạo thành công, các nhà đầu tư tư nhân trong nước và quốc tế sẽ đảm bảo được một phương án có đầy đủ tính an ninh năng lượng cũng như hệ thống năng lượng tin cậy và chi phí hợp lý.

Cụ thể, sử dụng năng lượng tái tạo giúp làm sạch môi trường và chất lượng không khí của Việt Nam, đồng thời giải quyết nhu cầu năng lượng cho tăng trưởng bền vững. Các tác động từ tăng trưởng tập trung vào nhiệt điện than làm phát thải khí nhà kính, ô nhiễm không khí tác động đến sức khỏe của con người và môi trường phần nào đã được hạn chế.

Các dự án lớn kéo dài 30 năm trong các lĩnh vực năng lượng lỗi thời và gây ô nhiễm đã được cắt giảm. Do đó, gánh nặng của Chính phủ về đầu tư công với mong muốn thu vốn đầu tư từ khu vực tư nhân và nước ngoài cũng được giảm bớt. 

Đại diện Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo, Bộ Công Thương cho biết: “Chúng tôi đang phối hợp với các chuyên gia tư vấn trên thế giới, đặc biệt là các chuyên gia tư vấn của Ngân hàng thế giới để xây dựng một cơ chế chuẩn bị cho đấu thầu các dự án điện mặt trời trong tương lai, hướng đến minh bạch, khách quan trong lựa chọn các chủ đầu tư cũng như giảm chi phí đầu tư trong phát triển ngành điện”.

Ngọc Huyền