Sức khỏe

Nâng cao năng lực chẩn đoán, quản lý và chăm sóc sức khỏe người cao tuổi

Thứ bảy, 11/11/2023 | 18:47 GMT+7
Mới đây, Hội Lão khoa Việt Nam và Bệnh viện Lão khoa Trung ương đã tổ chức Hội nghị Lão khoa quốc gia lần thứ IV với sự góp mặt của các chuyên gia đầu ngành từ Hoa Kỳ, Australia, Anh, Pháp.

Hội nghị có 23 phiên hội thảo, thu hút sự tham gia của hơn 60 báo cáo viên, gần 500 đại biểu tham dự trực tiếp, thuộc các bệnh viện tuyến Trung ương, địa phương, các trường đại học, viện nghiên cứu, cơ sở cung cấp dịch vụ cho người cao tuổi, các đối tác phát triển và chuyên gia đầu ngành từ nhiều quốc gia như Hoa Kỳ, Australia, Anh, Pháp.

Tại hội nghị lần thứ IV, các diễn giả trong và ngoài nước cùng chia sẻ chuyên môn, kinh nghiệm để nâng cao năng lực chẩn đoán, quản lý, chăm sóc sức khỏe người cao tuổi. Đồng thời, cập nhật những thay đổi mới nhất trong hệ thống chăm sóc sức khỏe người cao tuổi từ các chuyên gia y tế đầu ngành trên thế giới, từ các quốc gia tiên tiến, nơi có nhiều kinh nghiệm về xây dựng hệ thống y tế lão khoa.

Quang cảnh hội nghị

Hội nghị còn là dịp trao đổi, thảo luận và tiếp thu những ý kiến đóng góp của các chuyên gia trong việc xây dựng hệ thống y tế lão khoa, mô hình chăm sóc sức khỏe dài hạn cho người cao tuổi mắc sa sút trí tuệ, đẩy mạnh đào tạo nhân lực chuyên ngành lão khoa trên thế giới và tại Việt Nam.

Bên cạnh đó, hội nghị cung cấp thông tin y khoa chuyên sâu trong lĩnh vực lão khoa và nhiều chuyên ngành liên quan về dự phòng, điều trị, chăm sóc các bệnh lý mạn tính, cấp tính của người cao tuổi như sa sút trí tuệ, đột quỵ, động kinh, parkinson, bệnh lý tim mạch - chuyển hóa, ung thư, bệnh cơ xương khớp, hô hấp, huyết học, thận tiết niệu, tiêu hóa… phát triển chuyên ngành cấp cứu lão khoa và điều dưỡng lão khoa.

Theo Tổng cục Thống kê, Việt Nam đã chính thức bước vào giai đoạn già hóa dân số vào năm 2011 và là một trong số 10 nước có tốc độ già hóa dân số nhanh nhất trên thế giới. Năm 2019, số lượng người cao tuổi từ 60 tuổi trở lên của nước ta là 11,41 triệu người (chiếm 11,86% tổng dân số); năm 2021 có 12,5 triệu người cao tuổi (chiếm 12,8%) và ngày càng tăng nhanh.

Ước tính vào năm 2038, Việt Nam sẽ chuyển sang giai đoạn dân số già với tỷ lệ người cao tuổi chiếm trên 20% tổng dân số. Già hóa dân số tác động sâu sắc tới mọi khía cạnh của cá nhân, cộng đồng, quốc gia. Điều này đòi hỏi hệ thống an sinh xã hội và chăm sóc sức khỏe cần có sự điều chỉnh, thích nghi để đáp ứng với nhu cầu chăm sóc sức khỏe, nâng cao chất lượng cuộc sống của người cao tuổi.

Theo PGS.TS Nguyễn Trung Anh, Giám đốc Bệnh viện Lão khoa Trung ương, Chủ tịch Hội Lão khoa Việt Nam, hiện khả năng cung cấp dịch vụ y tế cho người cao tuổi còn nhiều hạn chế, như thiếu các cơ sở y tế (bệnh viện, trung tâm y tế, trạm y tế…) và nguồn nhân lực chăm sóc người cao tuổi (bác sĩ, điều dưỡng lão khoa, người chăm sóc…).

Hơn nữa, hệ thống nhà dưỡng lão, trung tâm bảo trợ xã hội còn hạn chế cả về số lượng, chất lượng. Chính vì vậy, việc tăng cường chuyên môn, cơ sở vật chất và nhân lực trong điều trị, chăm sóc người cao tuổi là nhu cầu bức thiết, cần sớm được quan tâm đến.

Chi phí y tế và gánh nặng chăm sóc cho người cao tuổi cao gấp 7 - 10 lần người trẻ. Người cao tuổi sử dụng đến 50% tổng lượng thuốc. Xu hướng tử vong trong các cơ sở y tế tăng lên cũng làm gia tăng chi phí y tế.

Ông Nguyễn Trung Anh đề xuất, cần sớm thành lập bộ môn lão khoa tại các trường đại học y; tăng cường đào tạo chuyên ngành lão khoa cho bác sĩ, điều dưỡng, nhân viên y tế khác; đào tạo người chăm sóc người cao tuổi; đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong đào tạo nguồn nhân lực lão khoa...

Ngoài ra, cần phát triển hệ thống chăm sóc dài ngày cho người cao tuổi thông qua phát triển hệ thống nhà dưỡng lão, đặc biệt là nhà dưỡng lão có chăm sóc y tế; khu chung cư dành cho người già; từng bước phát triển các trung tâm ban ngày (cung cấp dịch vụ xã hội cho người cao tuổi).

Đa dạng hóa các dịch vụ hỗ trợ người cao tuổi sống tại nhà như dọn nhà, giặt giũ, đi chợ, cung cấp bữa ăn, điều dưỡng đến nhà chăm sóc, phục hồi chức năng, lao động trị liệu, dịch vụ trông người già theo giờ, tư vấn sức khỏe, cung cấp dụng cụ trợ giúp, các câu lạc bộ vui chơi, giải trí… phát triển mạng lưới y học gia đình, nhân viên xã hội...

Khánh An (T/H)