Nông nghiệp sạch

Nghệ An hướng đến trở thành trung tâm giống thủy sản mặn, lợ

Thứ hai, 8/11/2021 | 13:08 GMT+7
Với mục tiêu để ngành nuôi trồng thủy sản phát triển bền vững, an toàn, hướng tới trở thành trung tâm giống thủy sản mặn, lợ của khu vực Bắc miền Trung, mở rộng ra là cả khu vực phía Bắc, tỉnh Nghệ An đã có nhiều thay đổi tích cực trong quản lý, hành động.

Nghệ An có bờ biển trải dài cùng hệ thống sông suối đa dạng, phù hợp cho phát triển ngành nghề nuôi trồng thủy sản nước ngọt, mặn và lợ. Đây cũng là điều kiện thuận lợi cho phát triển thủy sản bền vững nhờ có môi trường nuôi sạch.

Hiện Nghệ An đã chủ động tiếp cận các chương trình, kế hoạch để kịp thời triển khai các phương án mang tính cấp thiết, từng bước nâng cấp, hoàn thiện cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển ngành nghề nuôi trồng thủy sản. Điển hình là “Chương trình phát triển kinh tế thủy sản bền vững” với dự án xây dựng hệ thống cấp nước biển nuôi tôm công nghiệp theo quy chuẩn VietGAP tại xã Quỳnh Bảng, huyện Quỳnh Lưu; dự án sửa chữa, nâng cấp hạ tầng vùng nuôi trồng thủy sản Trịnh Môn, huyện Quỳnh Lưu, quy mô 170ha; dự án nâng cấp, cải tạo hạ tầng khu nuôi trồng thủy sản thị xã Hoàng Mai; dự án nâng cấp, cải tạo hạ tầng khu nuôi trồng thủy sản huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An, quy mô 158ha.

Bên cạnh đó, với dự án nguồn lợi ven biển vì sự phát triển bền vững, tỉnh Nghệ An đã chủ động đầu tư, nâng cấp thêm 7 vùng nuôi tôm thâm canh an toàn sinh học tại Quỳnh Lộc, Quỳnh Xuân, Quỳnh Dị, Quỳnh Bảng, Quỳnh Lương, Quỳnh Thanh, Diễn Trung; 2 vùng đa dạng hóa tại xã Diễn Vạn (Diễn Châu) và xã Nghi Hợp (Nghi Lộc).

Nuôi trồng thủy sản sạch ở Nghệ An

Song song với việc lấy mẫu kiểm tra, công tác tuyên truyền, hướng dẫn các quy định nhà nước đến các tổ chức, cá nhân liên quan thực sự mang lại hiệu quả rõ rệt, ý thức, trách nhiệm của người dân ngày càng được nâng cao.

Giai đoạn 2021 - 2030, ngành thủy sản Nghệ An xác định bảo vệ môi trường gắn với thích ứng biến đổi khí hậu là nhiệm vụ then chốt. Trên tinh thần đó sẽ tập trung vào các nội dung: kiểm soát chặt chẽ nguồn nước thải, chất thải của các vùng sản xuất tôm giống, vùng nuôi tôm tập trung, cơ sở chế biến và các hoạt động sản xuất kinh tế khác; thường xuyên cảnh báo diễn biến ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu, các hiện tượng thời tiết cực đoan để người dân chủ động bố trí phương án; lồng ghép các kịch bản biến đổi khí hậu, nước biển dâng vào các chương trình, dự án phát triển nuôi tôm tập trung để có giải pháp ứng phó hiệu quả…

Theo đó, để hoàn thành mục tiêu giảm thiểu nguy cơ dịch bệnh, tiết kiệm chi phí sản xuất, tăng năng suất, tạo sản phẩm chất lượng, ngành đã tập trung cho công tác tuyên truyền, triển khai rộng khắp “quy trình nuôi tôm thẻ chân trắng không sử dụng kháng sinh và hạn chế hóa chất”. Đáng chú ý, các hộ tham gia bắt buộc phải ký cam kết “không sử dụng kháng sinh trong nuôi trồng thủy sản, đặc biệt trong nuôi tôm”, lời nói phải đi đôi với hành động.

Việc ương dưỡng giống thủy sản của tỉnh đang tạo dựng được vị thế vững chắc, nhất là lĩnh vực giống mặn, lợ. Tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm về nuôi trồng thủy sản của tỉnh là 8,77%, giúp tỉnh được giới chuyên gia đánh giá cao có tiềm năng trở thành Trung tâm giống thủy sản mặn, lợ của khu vực Bắc miền Trung, thậm chí là cả phạm vi phía Bắc.

Ông Trần Xuân Học, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nghệ An nhận định: “Để quản lý hoạt động kinh doanh các mặt hàng liên quan đến nuôi trồng thủy sản, các đơn vị trong ngành đã thực hiện tốt công tác thanh tra, kiểm tra, qua đó khuyến cáo cho người nuôi lựa chọn các sản phẩm chất lượng đảm bảo, rõ ràng nguồn gốc, nhất là sản phẩm được nuôi từ vùng có môi trường sạch”

Minh Khang