Nghiên cứu cơ chế thu hồi, tái chế phương tiện giao thông thải bỏ

Thứ tư, 9/11/2022 | 16:33 GMT+7
Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường vừa tổ chức hội thảo kỹ thuật về kinh nghiệm quốc tế trong cơ chế thu hồi phương tiện giao thông thải bỏ.

Phát biểu tại hội thảo, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường Nguyễn Trung Thắng cho biết, kinh tế tuần hoàn bao gồm các mô hình kinh tế mà các hoạt động thiết kế, sản xuất, tiêu dùng thải bỏ đều hướng đến việc giảm khai thác, sử dụng tài nguyên, quay vòng tối đa các loại vật liệu sản phẩm, giảm chất thải ra môi trường. Mô hình kinh tế tuần hoàn là một công cụ hữu hiệu khuyến khích thúc đẩy tái chế, thu hồi các loại vật liệu, tài nguyên, qua đó giảm phát thải khí nhà kính, giảm ô nhiễm môi trường. Theo Luật Bảo vệ môi trường 2020, có 6 loại sản phẩm phải thực hiện trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất bao gồm: pin, ắc quy; điện, điện tử; săm, lốp; dầu nhớt; phương tiện giao thông thải bỏ và nhóm bao bì.

Về phương tiện giao thông, theo thống kê, Việt Nam có khoảng 4,5 triệu ô tô và hơn 60 triệu xe máy hoạt động; dự báo, số lượng ô tô, xe máy sẽ tiếp tục tăng lên trong thời gian tới. Điều này đặt ra nhiều thách thức trong việc thu hồi, tái chế các phương tiện giao thông hết hạn sử dụng. Phó Viện trưởng Nguyễn Trung Thắng mong muốn, thông qua hội thảo, các chuyên gia, nhà hoạch định chính sách có thể học tập kinh nghiệm của các chuyên gia quốc tế để thực hiện dự án Nghiên cứu, đề xuất giải pháp, cơ chế thải bỏ phương tiện giao thông, đồng thời tìm ra cơ chế, phương thức phù hợp tại Việt Nam.

 Hội thảo kỹ thuật về kinh nghiệm quốc tế trong cơ chế thu hồi phương tiện giao thông thải bỏ

Theo đại diện Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường, dự án Nghiên cứu, đề xuất giải pháp, cơ chế thải bỏ phương tiện giao thông nhằm xây dựng và hoàn thiện quy định về thải bỏ, thu hồi phương tiện giao thông vận tải phù hợp với điều kiện của Việt Nam, đáp ứng yêu cầu của nền kinh tế tuần hoàn. Dự án bao gồm 3 nội dung: nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế về chính sách Trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất (EPR) và chính sách hỗ trợ cho thực hiện EPR đối với phương tiện giao thông; rà soát, đánh giá thực trạng thải bỏ, thu hồi, tái chế phương tiện giao thông cũ, hết hạn sử dụng; đề xuất mô hình và giải pháp chính sách thực hiện thu hồi phương tiện giao thông thải bỏ.

Tại hội thảo, các đại biểu cũng được nghe trình bày tổng quan kinh nghiệm quốc tế về cơ chế thu hồi phương tiện giao thông thải bỏ và bài học cho Việt Nam; kinh nghiệm của Hàn Quốc về cơ chế thu hồi phương tiện giao thông thải bỏ và khuyến nghị cho Việt Nam.

Theo ông Sunil Herat, khoa Kỹ thuật và Môi trường xây dựng, Đại học Griffith (Australia), phương tiện giao thông là một trong các dòng chất thải đang gia tăng nhanh nhất, với số lượng dự kiến tăng khoảng 80 triệu phương tiện thải bỏ hàng năm. Dựa trên kinh nghiệm quốc tế, ông Sunil Herat đề xuất, Việt Nam cần có tiêu chuẩn về phương tiện giao thông thải bỏ. Trong đó, đối với xe cũ hơn 10 năm và đã không đạt yêu cầu kiểm tra hiệu năng trên đường hai lần liên tiếp có thể được tuyên bố là phương tiện giao thông thải bỏ và phải được hủy đăng ký theo luật. Phương tiện giao thông thải bỏ phải có “Giấy chứng nhận tiêu hủy” (COD) từ các cơ sở xử lý được ủy quyền hợp pháp như một điều kiện để hủy đăng ký.

Ngoài ra, cần có hệ thống biểu thị điện tử phương tiện giao thông thải bỏ để theo dõi các quy trình từ hủy đăng ký đến tái chế. Kết hợp thế mạnh của các khu vực tái chế phương tiện giao thông thải bỏ chính thức và phi chính thức để có kết quả tốt. Khuyến khích các nhà sản xuất xe gốc áp dụng phương thức tái chế và tái sản xuất tiêu chuẩn.

Đối với cơ chế tài chính cho tái chế phương tiện giao thông thải bỏ, có thể lựa chọn chương trình tái chế được tài trợ hoàn toàn bởi các nhà sản xuất/nhập khẩu thông qua một quỹ tái chế hoặc các nhà sản xuất/nhập khẩu và người tiêu dùng chia sẻ chi phí tái chế phương tiện giao thông thải bỏ.

Ngọc Huyền