Nông nghiệp sạch

Huế phát triển nông nghiệp sạch tại các địa phương mới sáp nhập

Thứ hai, 18/10/2021 | 09:37 GMT+7
Để phát triển kinh tế - xã hội, tỉnh Thừa Thiên Huế đã và đang hướng tới nền nông nghiệp bền vững, nông nghiệp sạch, trong đó đặc biệt chú trọng đầu tư cho các xã, phường mới sáp nhập.

Hương An là một trong những địa phương mới sáp nhập vào thành phố từ 1/7, nằm cách trung tâm thành phố Huế khoảng 10km về phía Tây Bắc, có tổng diện tích tự nhiên gần 1.100ha, trong đó đất nông nghiệp gần 740ha, phi nông nghiệp gần 300ha.

Qua khảo sát, Hương An hiện là vùng sản xuất hành lá chuyên canh, có giá trị kinh tế cao so với các cây trồng khác, với diện tích trồng hành chiếm từ 70 - 100ha, trong đó có 176 hộ tham gia trồng theo tiêu chuẩn VietGAP với tổng diện tích hơn 16ha.

Phường cũng đang nỗ lực xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu cho sản phẩm hành lá, góp phần nâng cao giá trị sản phẩm thông qua việc áp dụng tiến bộ kỹ thuật, ứng dụng công nghệ cao, truy xuất nguồn gốc, đồng thời đăng ký sản phẩm OCOP của địa phương.

Hành lá ở phường Hương An được trồng theo hướng hữu cơ, đảm bảo an toàn và chất lượng cho sức khỏe

Cùng với hành lá, hiện một số doanh nghiệp đã đầu tư trang trại trồng các loại cây dưa lưới, dưa lê trong nhà kính, bước đầu cho năng suất và hiệu quả kinh tế cao. Sắp tới, Phòng Kinh tế thành phố Huế sẽ làm đầu mối liên kết giữa địa phương và các đơn vị liên quan trong việc quy hoạch diện tích đất để hình thành vùng chế biến gắn với vùng sản xuất hành, rau, quả, tạo chuỗi giá trị từ cây hành lá, chủ động trong việc cung cấp thị trường để kêu gọi đầu tư. Dự kiến, vùng quy hoạch có tổng diện tích khoảng 5.000ha.

Theo Chủ tịch UBND phường Hương An Nguyễn Thị Xuyến, 9 tháng đầu năm 2021, phường Hương An đạt 14/16 chỉ tiêu kinh tế - xã hội. Với lợi thế về phát triển nông nghiệp, thời gian qua có một số doanh nghiệp đến đầu tư mô hình trang trại kết hợp với tham quan du lịch; các hộ dân phát triển cây hành lá, sản xuất rau sạch, xây dựng thương hiệu sản phẩm để cung ứng ra thị trường.

Tại các địa phương mới sáp nhập khác, như Hương Thọ, Thủy Bằng, Phú Mậu, Phú Thanh… ngoài việc vận động và hướng dẫn bà con chuyển đổi các mô hình nông nghiệp truyền thống sang mô hình nông nghiệp công nghệ cao và ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, thành phố Huế còn đẩy mạnh công tác xúc tiến kêu gọi đầu tư các dự án nông nghiệp xanh, sạch kết hợp tổ chức các tour du lịch trải nghiệm. Các mô hình liên kết nhằm hướng đến phát triển nền nông nghiệp bền vững, trên cơ sở kết hợp công nghệ hiện đại với sản xuất truyền thống, tạo ra sản phẩm chất lượng đáp ứng nhu cầu thị trường, đồng thời quảng bá hình ảnh thành phố đến du khách.

Theo lãnh đạo UBND thành phố Huế, với định hướng phát triển mô hình nông thị (nông nghiệp trong đô thị), tạo ra nhiều mô hình nông nghiệp sạch kết hợp phục vụ khách tham quan, thời gian tới, thành phố chỉ đạo các xã, phường mới sáp nhập tăng cường quản lý đất đai, phát triển nông nghiệp sạch, ưu tiên thu hút những dự án nông nghiệp công nghệ cao nhằm mang lại hiệu quả kinh tế, đa dạng hóa loại hình du lịch để thu hút khách.

Để triển khai thực hiện, thành phố yêu cầu các phòng ban phối hợp với địa phương để khảo sát, định hướng quy hoạch, kêu gọi đầu tư thêm để phát triển kinh tế, tránh việc lãng phí quỹ đất, đồng thời triển khai hiệu quả công tác phát triển thương mại, dịch vụ trên địa bàn.

Khả Như (T/H)