Nhận định tình hình mưa, lũ, hạn mặn cuối năm 2023, đầu năm 2024 tại Nam Bộ

Thứ bảy, 23/9/2023 | 20:59 GMT+7
Mới đây, Tổng cục Khí tượng thủy văn đã phối hợp với UBND tỉnh Bến Tre tổ chức hội nghị về tình hình mưa, lũ nửa cuối năm 2023 và El Nino, nguồn nước, hạn mặn mùa khô giai đoạn 2023 - 2024 khu vực Nam Bộ.

Phát biểu tại hội nghị, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Khí tượng thủy văn Lê Hồng Phong cho biết, khu vực Nam Bộ được nhận định là nơi có thời tiết ôn hòa nhất trên cả nước nhưng hiện đang phải đối mặt với nhiều thách thức và ảnh hưởng từ nhiều loại hình thiên tai, đặc biệt như: hạn hán, xâm nhập mặn, nắng nóng, triều cường, gây ngập lụt, sạt lở bờ sông, bờ biển, tác động nghiêm trọng đến đời sống, sản xuất của người dân.

Theo ông Lê Hồng Phong, các tỉnh, thành vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), trong đó có tỉnh Bến Tre, cũng chịu ảnh hưởng trực tiếp bởi sự điều tiết nguồn nước từ các quốc gia thượng nguồn sông Mê Kông. Điều này đã và đang đặt ra những thách thức đối với các cơ quan chuyên ngành, chính quyền địa phương trong việc quản lý, khai thác, sử dụng nước hợp lý phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.

Theo dự báo, hiện tượng El Nino tiếp tục duy trì tại Việt Nam tới các tháng đầu năm 2024 với xác suất 85 - 95%. Lưu vực sông Mê Kông được dự báo ít có khả năng xuất hiện mưa lớn, do đó mực nước đầu nguồn sông Cửu Long sẽ ở mức thấp. Trong các tháng mùa khô 2023 - 2024 sẽ có nguy cơ cao xảy ra tình trạng hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn ở khu vực ĐBSCL.

El Nino cùng các hình thái thiên tai sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến khu vực Nam Bộ

Tại hội nghị, Trưởng phòng dự báo Đài Khí tượng thủy văn khu vực Nam Bộ Lê Đình Quyết đã nêu những nhận định về tình hình khí tượng thủy văn những tháng cuối năm 2023 và đầu năm 2024. Cụ thể, những ngày cuối tháng 9, đầu tháng 10/2023, ở hạ lưu sông Mê Kông có khả năng xuất hiện 1 đợt lũ nhỏ. Từ cuối tháng 10/2023 đến tháng 3/2024, mực nước sông Mê Kông xuống dần; độ mặn tại các sông trong mùa khô 2023 - 2024 ở mức cao, hầu hết đều ở mức cao hơn trung bình nhiều năm; trong một số thời điểm, trên một số nhánh sông xâm nhập mặn có khả năng tương đương với mùa khô năm 2015 - 2016 và thấp hơn mùa khô 2019 - 2020.

Ông Lê Đình Quyết khuyến nghị các địa phương và người dân trên khu vực cần có những biện pháp để chủ động giảm thiểu các rủi ro do thời tiết gây ra. Theo đó, cần dự trữ nước ngọt trong sinh hoạt cũng như sản xuất; chủ động việc xuống giống sớm.

Lưu ý, trong thời gian này vẫn xảy ra những trận mưa to, rất to vào cuối tháng 9, trong tháng 10, gây ngập lụt đô thị, sạt lở đất, sạt lở bờ sông. Đồng thời, những tháng cuối năm, ảnh hưởng của không khí lạnh mạnh sẽ gây thời tiết xấu trên biển, kết hợp triều cường cao, nguy cơ gây sạt lở đê biển, vùng cửa sông, hiện tượng mực nước ven biển Cà Mau dâng cao bất thường; ngoài ra cần đề phòng dông, sét, gió giật.

Sau khi lắng nghe những thông tin về tình hình thời tiết, các chuyên gia, nhà khoa học cùng trao đổi, phản biện và thống nhất nhận định góp phần dự báo, cảnh báo sớm những nguy cơ thiên tai tại khu vực Nam Bộ; cung cấp thông tin thời tiết, nguồn nước; phối hợp tuyên truyền, nâng cao nhận thức cộng đồng đối với công tác dự báo, cảnh báo phục vụ phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai.

Ban tổ chức hội nghị cũng giới thiệu việc nghiên cứu, ứng dụng khoa học, công nghệ trí tuệ nhân tạo, chuyển đổi số trong dự báo khí tượng thủy văn và ngập lụt ở khu vực Nam Bộ.

Lâm Bảo (T/H)