Văn hóa, du lịch

Những bài thơ về Hà Nội

Chủ nhật, 14/2/2021 | 09:00 GMT+7
Đọc xong tác phẩm Tinh hoa Hà Nội của Mai Thục, tôi cảm thấy như vừa thưởng thức nhiều bài thơ về Hà Nội, chứ không phải những bài ký viết bằng văn xuôi.

Thơ, bởi những âm điệu của nhiều câu đầy âm vang; thơ, bởi nó gợi mở nhiều chân trời bát ngát cho trí tưởng tượng; thơ, bởi ở nhiều bài có những tương ứng giữa màu sắc, âm thanh, hương thơm, vị ngọt ngào, ánh sáng, để lại những rung động trong lòng người đọc; thơ, bởi nó nói lên tâm linh, cái bí ẩn, cái linh thiêng của vũ trụ đất, trời, con người, thấm nhuần triết học phương Đông, phương Đông của trực giác, của lòng thương yêu, của tình yêu hiền hòa, đầy nhân ái.

Tôi lắng nghe bản hòa âm màu xanh của "làng thơm" cốm Vòng, “hương của lúa độ ra đòng", "hương của rạ tươi non", hương của lúa rang, hương cốm và những màu xanh “nao nức": màu xanh bầu trời thu, màu xanh mượt mà của cánh đồng lúa, màu xanh ngọc của những bó rơm dưới nắng thu vàng, cốm màu xanh lưu ly... một nét dịu dàng của mùa thu Hà Nội, có ruộng lúa nếp cái hoa vàng, cốm non ngọt thơm như sữa mẹ. Tôi lắng nghe bản hòa âm màu xanh Hồ Tây: "Nơi đây là một không gian xanh, xanh trời, xanh nước, xanh mây, "màu xanh nối đất với trời, với hồn với ta với không gian vô cùng, thời gian vô tận". Cây bồ đề, màu xanh an tịnh, ánh lên màu xanh "huyền diệu”, "bất diệt", tỏa ánh sáng Hồ Tây ngân lên tiếng chuông chùa Trấn Quốc. Đó là chất thơ của Tinh hoa Hà Nội, cái hòa âm, cái tương ứng của vũ trụ với con người.

Chỉ tâm hồn thơ mới nhìn thấu cái hồn của sự vật, cái "tinh hoa" ẩn giấu bên trong sự vật. Tác giả Mai Thục nghe được "bản nhạc trầu cau", "bản hòa tấu trầu cau", âm vang trong vũ trụ từ ngàn xưa đến hôm nay; đó là tấn bi kịch, anh em, vợ chồng đi tìm nhau một cách vô vọng, rồi chết; ba cái chết oan uổng ấy hòa quyện với nhau thành màu đỏ, màu đỏ thắm, thấm hương thơm nồng nàn, tác giả viết: "đó là nhạc điệu tâm hồn Việt Nam", nhạc điệu tình yêu không bao giờ tắt. Cây cau vươn lên trời cao, lá trầu hình trái tim, vôi là ngọc của đất. Và tranh Phố Phái là bản giao hưởng các màu sắc; một buổi tối tĩnh lặng, "những bức tranh Phố Phái thốt lên thành nhạc, thành thơ". Và Cà phê Lâm, gian phòng tối sáng, như hư như thực, là "bảo tàng vô giá" của hội họa Việt Nam là nơi họ hẹn các văn nhân, nghệ sĩ nghèo "Hà Nội băm sáu phố phường", ngào ngạt hương say cà phê "lắng đọng tình cảm đất trời". Từ những bức tranh trên tường Cafê Lâm, của Nghiêm, Sáng, Phái, toả lên ánh sáng của tinh hoa Việt Nam, bay ra thế giới. Và, nghệ sĩ ca trù, trong gần suốt thế kỷ XX, đã làm rung động biết bao trái tim với người kỹ nữ bến Tầm Dương "canh khuya đưa khách".

Viết đến đây, tôi càng cảm nhận chất thơ trong âm điệu văn xuôi Mai Thục, nhạc và ca, tình cảm và tư tưởng triết lý, biểu hiện tinh hoa ngàn đời của dân tộc Việt Nam chỉ biết có yêu thương.

Tinh hoa Hà Nội không chỉ là các nghệ sĩ, các giáo sư, Bùi Xuân Phái, ông Lâm Cafê, ca nương Quách Thị Hồ... mà tinh hoa Hà Nội nằm ở khắp ba mươi sáu phố phường. Đó là bà Nghĩa đầu bạc phơ, bán bún riêu cua ở ngõ Tạm Thương, đó là cô gái thướt tha bán húng Láng, hay "bóng hồng sông Tô"; đó là ông thợ đúc chuông đồng Ngũ Xã, hòa thượng Kim Cương Tử chùa Trấn Quốc... Con mắt nhà văn Mai Thục phát hiện dưới những bộ áo quần mộc mạc, "quê mùa" những tâm hồn đẹp, một thứ tinh hoa đặc sắc của riêng người Hà Nội.

Hấp dẫn tôi hơn cả là "thế giới đàn bà" ở chợ Đồng Xuân. Hà Nội có trên hai mươi chợ lớn (và hiện nay, không biết bao nhiêu "chợ cóc") và ca dao có câu:

Vui nhất là chợ Đồng Xuân,

Thứ gì cũng có xa gần bán mua.

Chợ Đồng Xuân là nơi giao lưu hàng hóa luôn luôn chuyển động. Ngoài ven đô từ nửa đêm, gánh rau quả, hoặc tải xe bò thịt cá vào chợ; cua bể, tôm bể từ Hải Phòng chở lên Hà Nội. Và từ miền Trung, miền Nam cũng ùn ùn chở đến chợ Đồng Xuân nào xoài, nào cá, nào đường bánh từ các lò thủ công. Rồi, những giao lưu miền ngược miền xuôi. Bây giờ còn có các mặt hàng điện tử, từ Trung Quốc, Nhật Bản, Thái Lan... Và ồn ào đủ mọi tiếng nói, tiếng Tây, tiếng Tàu, Ấn Độ... Chợ Đồng Xuân là một thế giới tấp nập, người mua kẻ bán, người du lịch đi xem chợ, suốt ngày, không ngớt.

Điều khiến tất cả mọi sự nhốn nháo, tấp nập, xô bồ ấy là những người đàn bà giỏi giang, hoạt bát, các bà Nga, Thuận, Hinh, Thành... Mỗi sạp hàng đều có bàn thờ Phật - nhiều bà đã sáu mươi, bảy mươi tuổi, bán hàng ở chợ này ba, bốn chục năm, có bà "đi chợ" từ khi mười tuổi, các bà nhanh nhẹn, nhạy cảm, suốt ngày, suốt tháng, suốt năm và năm này năm khác, chỉ lo toan hàng và tiền, tiền và hàng. Thế mà chợ vẫn ngày một phát triển, ngày một đẹp, ngày một tăng thêm nền văn hoá dân dã. Cái "phép tiên" ấy là tấm lòng thẳng thắn, trung thực, tình chị em, cả lòng từ thiện, công đức nữa. Chớ tưởng rằng người buôn bán thì "tiền trao, cháo múc". Những kẻ điêu bạc, chua ngoa không "trụ" được ở chợ Đồng Xuân này. Các bà, các chị theo phương châm: "sống tử tế", "sống đàng hoàng”, đàng hoàng từ cách đối xử với bạn bè, khách hàng, đàng hoàng từ cách ăn nói, đến áo quần, ứng xử lịch lãm, cả sang trọng nữa. Cái "thế giới đàn bà" đẹp đẽ, tài năng ấy là một tinh hoa của người Hà Nội. Nhà văn, với tấm lòng rộng mở, bao dung, biết gạt bỏ cái bề ngoài, những định kiến, để phát hiện cái bản chất, cái tinh hoa của sự vật, của “thế giới đàn bà" nhốn nháo, náo nhiệt, là chợ Đồng Xuân ấy.

Ở mỗi nhóm người, mỗi cảnh quan, Mai Thục sáng tạo một nét, hay một khối tinh hoa của Hà Nội, của dân tộc - những sáng tạo ấy là của một tâm hồn thơ. Tập ký Tinh hoa Hà Nội đầy chất thơ, là như vậy. Đây là quần thể kiến trúc giữa Thủ đô Hà Nội; Hồ Gươm, nơi có gió xanh, hàng cây xanh, nước xanh, trời xanh, tiếng chim xanh, những nốt nhạc xanh, bầu trời xanh... Những màu xanh ấy bao vây lấy quần thể kiến trúc đền Ngọc Sơn, cầu Thê Húc, đài Nghiên, tháp Bút, do thi sĩ tuyệt vời Nguyễn Văn Siêu tạo nên. Tháp Bút gồm năm tầng đá trên cùng là ngọn bút lông, như viết thẳng lên bầu trời. Cả quần thể kiến trúc này là biểu tượng của tinh hoa văn hóa Hà Nội, và tinh hoa văn hóa dân tộc ta. Đền Ngọc Sơn, thờ đức thánh Trần, thờ Văn Xương thần học, thờ Lã Đồng Tân, chữa bệnh cho dân chúng bằng nhiều vị thuốc tiên. Đền Ngọc Sơn ấy còn là nơi xướng hoạ thơ tao nhã dưới thời Lê Thánh Tông. Và, ngày nay, tác giả thấy nó là biểu tượng của khí tiết sĩ phu Bắc Hà. Hồ Hoàn Kiếm hoặc hồ Trả Gươm, là "khát vọng hòa bình của nhân dân, của kẻ sĩ Bắc Hà”, khát vọng tỏa sáng màu xanh biếc trong năm thế kỷ nay, màu xanh biếc ấy là linh hồn sĩ phu Bắc Hà. Tác giả viết: vẻ đẹp Hồ Gươm, đền Ngọc Sơn, cầu Thê Húc, tháp Bút, đài Nghiên "là hiện thân của chí khí sĩ phu Bắc Hà, đề cao văn hoá, chữ nghĩa và tu luyện đạo đức", "Kẻ sĩ Bắc Hà sống thanh bạch cùng núi non, hồ nước, trăng sao, cây cỏ… không màng danh vọng, không chịu nhục để có giàu sang, của cải", tức là họ không "bán linh hồn cho quỷ dữ". Họ dám xông pha xây dựng nước non nhà bằng ngòi bút, hoà nhập với vũ trụ, với cộng đồng thế giới". Những suy tư này gần gũi với những suy tư Văn Cao về tinh thần dân tộc Việt Nam. Tôi xin trích một đoạn văn của Văn Cao trong bài "Một khúc tâm tình của Văn Cao" trong tác phẩm Tinh hoa Hà Nội:

"Con người sinh ra phải được yên ổn làm ăn, không bị đe dọa, không bị áp bức (...), được học tập, sáng tạo, được nhảy múa, ca hát.

Riêng đất nước ta, vừa trải qua mấy cuộc chiến tranh, tâm lý bùng nổ, khủng hoảng diễn ra như hiện nay là tất yếu. Ở phương Tây sau Đại chiến II cũng vậy. Thân phận con người bị khủng bố, dập vùi, người ta không thiết sống nữa. Họ không thấy giết người là tội ác, không hiểu tội ác là gì.

Tôi muốn, trong giai đoạn khủng hoảng này, nghệ thuật phải đưa con người trở về với con người, con người hiền hoà, con người yêu thương...".

Yêu thương chứ không phải là hằn thù, bạo lực, chiến tranh, "Hoàn Kiếm" hoặc "Trả gươm", hoặc hòa bình, yên ổn, đó là tinh thần dân tộc Việt Nam, ai cũng biết vậy.

Hình như thiên nhiên Việt Nam cũng mang đậm ý tưởng đó: Hà Nội là một vườn hoa đẹp và thơm. Nào chợ hoa Hàng Lược, nào bích đào Nhật Tân, nào làng hoa Quảng Bá, nào vườn hoa Mê Linh (cách Hà Nội trên mười cây số) và "con đường đào quất": quất với nhiều tầng quả, màu vàng cam óng ánh nắng mặt trời, đào "như má hồng thiếu nữ". Những ngày giáp Tết, con đường từ Phú Thượng về Hồ Tây. Đào và quất trên xe ô tô, xe máy, xe đạp, cả người đi bộ nữa, chở đầy đào và quất, chảy về Hà Nội, tỏa ra ba mươi sáu phố phường. Tác giả gọi con đường đầy hoa thắm, quả vàng đó là "Con đường đào quất", tác giả viết: "Con đường đào quất dẫn chúng ta đến chân trời vô tận của tình bạn, tình yêu" và "Nó như dòng sông hoa, quả kỳ ảo dưới nắng vàng".

Làng hoa Hà Nội (Ngọc Hà) muôn vàn hương sắc. Khóm này hoa đào thắm nở, giống như mảng phấn hồng tụ lại; khóm kia rực rỡ cúc vàng, khóm khác rực sáng cẩm chướng, quế, hồng, lan; hội tụ về đây những hương hoa thơm ngát, bưởi, ngâu, ngọc lan, huệ... Đó chính là tâm hồn tươi đẹp, thơm tho của người Hà Nội ngàn năm văn hiến. Giữa những màu sắc, hương thơm của làng hoa ấy, một bản nhạc vang lên: các cô gái làng hoa, giống như những nữ hoàng đầy hoa, thúng hoa trên đầu, tay phải một bó hoa, tay trái ôm một thúng hoa nữa, gõ những nhịp guốc như gõ những nhịp phách sắc xảo, những buổi sáng trong lành Hà Nội.

Hồ Tây cũng ẩn chứa nhiều nét tinh hoa của Hà Nội. Con mắt thơ của tác giả nhìn Hồ Tây "như thực như mơ" dưới thời mây bảng lảng. Từ ban mai đến chiều hôm, Hồ Tây nhuốm sắc cầu vồng, từ màu hồng đến màu xanh, màu tím, màu vàng, một bài thơ. Đến Hồ Tây con người tự do, con người sáng tạo sống dậy với vũ trụ, nghệ thuật, triết học, đời sống tâm linh cũng thức dậy với vùng “văn hóa Phật giáo" này.

Biết bao đền và chùa bao quanh Hồ Tây. Đi trên đường đường Cổ Ngư, nghe tiếng chuông đồng Ngũ Xã "lướt trên sóng hồ Trúc Bạch" và tiếng chuông chùa Trấn Quốc ngân nga, vang động lòng người. Mỗi sáng, mỗi chiều, từ các chùa bao quanh Hồ Tây, đền Quán Thánh, chùa Trấn Quốc, phủ Tây Hồ, từ chùa và đền bên Yên Thái, vùng Bưởi, ngân vang biết bao tiếng chuông đầy bí ẩn, khi nhẹ nhàng, khi gióng giả, khi êm đềm, khi rung động, khi du dương… xuyên qua không gian và thời gian, như tiếng gọi tha thiết hoặc trầm lặng của Chư Phật Bồ Tát đầy lòng từ bi, hỉ xả…

Tất cả những cái đó tạo ra "một thế giới tâm linh huyền diệu" cuộc sống tâm linh, những giá trị tâm linh - có lẽ đó là tinh hoa cơ bản của người phương Đông, của người Hà Nội, người Việt Nam.

Theo tôi hiểu, tác phẩm Tinh hoa Hà Nội biểu đạt đúng "bản sắc dân tộc Việt Nam". Song, từ xưa tới nay, riêng tôi, tôi dùng "tinh thần dân tộc Việt Nam", tức là cái "tinh túy", cái "tinh hoa" và cái "thần" của dân tộc Việt Nam. Cái "thần" cái "tinh túy" ấy ít phụ thuộc vào cái hình thức, cái bên ngoài. Chẳng hạn, các lễ nghi hiện nay, không cần đến những bộ áo tế thụng the, gấm xanh, hoặc bàn thờ không quá "quy mô" mà có thể thu hẹp, với bình hương, đôi cây nến đồng nhỏ, đôi hạc nhỏ cao độ ba mươi, bốn mươi phân... Những cái tinh tuý, cái thần của việc cúng gia tiên, ông bà, cha mẹ (đã khuất) còn tồn tại mãi, trong tấm lòng con cháu trong gia đình. Phải hiện đại hóa mọi phong tục, tập quán, phải phát triển cái "thần" của truyền thống tốt đẹp phương Đông, kết hợp với tinh hoa văn hóa phương Tây; nhân loại xây dựng một nền văn hóa toàn thế giới, đa dạng, đa sắc tộc.

Giáo sư Đỗ Đức Hiểu