Văn hóa, du lịch

Lễ hội Hoa Ban – điểm hẹn mùa xuân nơi núi rừng Tây Bắc

Thứ bảy, 13/2/2021 | 11:00 GMT+7
Lễ hội Hoa Ban được tỉnh Ðiện Biên tổ chức với quy mô cấp tỉnh lần đầu năm 2014 trong chuỗi các hoạt động kỷ niệm 60 năm Chiến thắng Ðiện Biên Phủ. Trải qua 6 mùa lễ, hiện Lễ hội Hoa Ban Ðiện Biên đã trở thành địa điểm “đến hẹn lại lên”, được du khách trong và ngoài nước yêu thích.

Lễ hội Hoa Ban hiện đã trở thành sự kiện văn hóa, du lịch mang tính cộng đồng và xã hội. Nó không chỉ là ngày hội của riêng dân tộc Thái mà trở thành ngày hội của cộng đồng các dân tộc tỉnh Ðiện Biên.

Lễ hội diễn ra với nhiều hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch, lịch sử phong phú, đa dạng như: diễu hành văn hóa đường phố; không gian văn hóa vùng cao; giao lưu, trải nghiệm các môn thể thao dân tộc (tó má lẹ, đi cà kheo, tù le, ném còn, trải nghiệm xe đạp thồ hay tải đạn...). Bên cạnh đó, hai hoạt động là cuộc thi “Trình diễn trang phục truyền thống các dân tộc” và “Người đẹp hoa ban” sẽ được tổ chức đan xen theo từng năm, đây là những hoạt động mang tính điểm nhấn trong những ngày diễn ra lễ hội và đã nhận được sự quan tâm của đông đảo người dân, du khách thập phương.

Cho đến hiện tại, Lễ hội Hoa Ban đã được tổ chức quy mô, bài bản hơn và được xây dựng thành sản phẩm du lịch mang thương hiệu trên cả nước, bởi đây chính là dịp để mọi người dân cùng ôn lại truyền thống và tri ân những người con của quê hương, những người anh hùng đã làm nên Chiến thắng lịch sử Ðiện Biên Phủ.

Tỉnh Ðiện Biên đã chọn ngày 13/3 Dương lịch hàng năm là ngày khai mạc Lễ hội Hoa Ban vì đây chính là ngày quân ta nổ phát súng đầu tiên mở màn Chiến dịch Ðiện Biên Phủ (13/3/1954). Đồng thời, đây cũng là thời điểm hoa ban đẹp nhất, nở trắng khắp các sườn núi, lòng thung và trên từng con phố...

Ngày nay, Lễ hội Hoa Ban Ðiện Biên đã trở thành một sự kiện văn hóa, thể thao và du lịch tiêu biểu của tỉnh nhằm giới thiệu văn hóa truyền thống đặc trưng của nhân dân các dân tộc trong tỉnh; là dịp để quảng bá tiềm năng, thế mạnh, vẻ đẹp của mảnh đất, con người Ðiện Biên đến với đông đảo người dân và du khách.

Nổi tiếng từ năm 2014, thế nhưng không nhiều người biết rằng, Lễ hội Hoa Ban đã có từ xa xưa. Trước đây, Lễ hội chỉ có phần lễ, mang đậm yếu tố văn hóa tâm linh, tín ngưỡng của dân tộc Thái và một số dân tộc có sự giao thoa với nền văn hóa Thái. Do vậy, tín ngưỡng này không chỉ có ở riêng Ðiện Biên mà còn hiện diện trong đời sống văn hóa tâm linh của đồng bào nhiều nơi thuộc khu vực Tây Bắc như: Sơn La, Lai Châu, Yên Bái…

Lễ hội Hoa Ban 2019

Nghe những người già ở Mường Lay, Tuần Giáo kể lại, Lễ hội Hoa Ban xưa còn được gắn với lễ hội Xên Mường hay lễ hội Cầu mùa, thường được tổ chức vào dịp tháng 2 Âm lịch hàng năm, khi hoa ban bắt đầu nở trắng khắp các sườn đồi. Ðây là dịp để người dân thể hiện tấm lòng tôn kính tri ân với tổ tiên và các vị thần núi, thần sông và cũng là dịp để cầu cho quốc thái, dân an, bản mường no ấm, quanh năm mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt…

Với riêng đồng bào Thái ở Điện Biên, Lễ hội Hoa Ban còn thể hiện nét văn hóa tâm linh trong đời sống gắn với truyền thuyết về nàng Ban hay “sự tích hoa ban trắng”. Chuyện kể rằng, đó là một người con gái Thái xinh đẹp, nết na và rất mực thủy chung trong tình yêu đôi lứa. Cô gái tên Ban xinh đẹp nhất bản mường ở xứ Mường Trời. Nàng đem lòng yêu chàng trai tên Khum, chàng trai dù nhà nghèo nhưng lại giỏi săn bắn, chăm làm và tốt bụng. Tuy nhiên, tình yêu của họ đã gặp trắc trở khi bố, mẹ nàng Ban hứa gả nàng cho con trai Tạo mường (một chức danh trong cộng đồng người vùng cao cũ). Ngày cưới đã được ấn định nhưng Khum đi săn bắn ở rừng sâu vẫn chưa về, vào một đêm mưa gió, nàng Ban đã buộc khăn piêu ở cầu thang rồi một mình băng núi, băng rừng đi tìm người yêu. Nàng đi mãi, đi mãi, rồi kiệt sức và chết bên sườn núi lưng trời. Tại nơi nàng chết, người ta thấy có một loài hoa trắng muốt, hương thơm dịu ngọt. Dân bản tin rằng đó là nàng Ban đã hóa thân thành loài hoa ấy; cánh hoa trắng muốt thể hiện tình yêu son sắt thủy chung với chàng Khum…

Về phần Khum, sau khi về đến nhà, thấy chiếc khăn piêu của người yêu vắt nơi cầu thang, biết là có chuyện chẳng lành, bèn vội vã đi tìm nàng. Dò hỏi bà con bên bản người yêu, Khum biết được là nàng đã bỏ nhà ra đi, còn đi đâu thì không rõ.

Thế là chàng trai lên đường đi tìm người yêu, đi mãi hết mường này, bản khác mà vẫn không tìm thấy bóng dáng người yêu. Cuối cùng, chàng kiệt sức, ngã xuống. Sau khi chết, chàng hóa thành con chim sống lẻ loi trong rừng và cứ đến mùa hoa ban nở, lại hót vang như tiếng gọi người yêu tha thiết tự năm nào.

Hoa ban nở trắng trên núi cao

Ở Sơn La, cứ sang xuân, khi hoa ban nở trắng trên các sườn núi, nam nữ thanh niên trong các bản mường lại rủ nhau đi hội chơi núi, hái hoa mừng xuân. Đây cũng là dịp nam nữ thanh niên vui chơi, ca hát, đánh đàn tính, thổi kèn, múa xòe, trao và đón nhận tình yêu.

Từ sáng tinh mơ của ngày hội, tiếng trống, tiếng chiêng âm vang truyền lan núi rừng. Các bếp nhà sàn bập bùng lửa đỏ: đồ xôi, luộc gà, thái măng; có nhà mổ lợn bày cỗ. Rượu cần từng vò lớn, nhỏ được bê ra để chuẩn bị đãi khách.

Còn những chàng trai, cô gái thì áo quần, khăn váy chỉnh tề, gọi nhau í ới và cùng đổ ra đường dẫn đến những cánh rừng có nhiều hoa ban nở. Họ chọn những cành hoa đẹp nhất, vừa hé nụ đều nhất để tặng người yêu và biếu cho bố mẹ. Theo quan niệm của người Thái, hoa ban không chỉ tượng trưng cho tình yêu mà còn là biểu tượng của lòng hiếu thảo, biết ơn.

Lễ hội Hoa Ban xưa diễn ra trong nhiều ngày. Bên cạnh các nghi thức tâm linh và các trò chơi dân gian được tổ chức ở khắp bản làng thì buổi tối là thời gian cho các điệu xòe bên ánh lửa hồng ấm áp. Ðêm cuối cùng của những ngày lễ hội là đêm đặc biệt dành cho các đôi nam nữ tỏ tình yêu nhau, hàn huyên tâm sự đến khi trời sáng.

Cũng trong ngày hội này, trên dòng Nậm Na thường diễn ra các cuộc hát giao duyên của nam nữ trên thuyền. Thuyền trôi nhẹ trên dòng nước; các cô gái duyên dáng che ô ngồi ở mũi thuyền, bên cạnh những bó hoa ban tươi thắm vừa mới hái, cất lên tiếng hát những bài dân ca mượt mà, giãi bày cảm xúc và tâm trạng riêng tư, trong khi các chàng trai ngồi ở phía đuôi thuyền, vừa lái thuyền vừa đánh đàn tính, thổi sáo.

Dưới ánh trăng non mờ ảo, hoa ban trắng điểm những giọt sương ánh lên một màu tinh khiết trên nền xanh của núi rừng, những cô gái Thái trong trang phục áo cóm, lấp lánh hàng khuy bạc e ấp bên những chàng trai mình yêu mến. Họ tin rằng, tỏ tình trong đêm hội Hoa Ban thì sẽ có được một tình yêu chung thủy như chuyện tình của nàng Ban và chàng Khum…

Huyền Dung