Văn hóa, du lịch

Những ưu thế để Đà Lạt phát triển du lịch xanh và công nghiệp văn hóa

Thứ tư, 18/12/2024 | 14:29 GMT+7
Mục đích này là sự tiếp tục nỗ lực phát huy dư địa du lịch của thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng được bàn thảo tại Hội thảo quốc tế “Đà Lạt phát triển du lịch xanh và công nghiệp văn hóa từ tài nguyên thiên nhiên đa dạng sinh học và văn hóa địa phương” diễn ra ngày 18/12.

Hội thảo do Ủy ban nhân dân TP. Đà Lạt phối hợp với Báo Tuổi trẻ tổ chức, thu hút hơn 160 khách mời là các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý về du lịch, văn hóa, âm nhạc, các doanh nghiệp, nhiều văn nghệ sĩ… trong nước và hai nước Thái Lan, Singapore.

Đại diện lãnh đạo UBND tỉnh Lâm Đồng, UBND TP. Đà Lạt và Báo Tuổi trẻ đồng chủ trì Hội thảo 

Khai mạc hội thảo, ông Đặng Quang Tú - Chủ tịch UBND TP. Đà Lạt phát biểu:  “Chúng tôi tin tưởng và kỳ vọng qua Hội thảo lần này, dưới các góc nhìn đa chiều, hướng tiếp cận đa ngành, các tư liệu, luận cứ khoa học sẽ được thảo luận, phân tích để làm sáng tỏ thêm về vai trò, giá trị của tài nguyên thiên nhiên, tính đa dạng sinh học, văn hóa địa phương để đưa ra những sáng kiến, định hướng, giải pháp phù hợp với đặc thù địa phương”.

Đề dẫn Hội thảo, ông Trần Xuân Toàn- Phó tổng biên tập Báo Tuổi Trẻ gợi ý: “Thông qua hội thảo ngày hôm nay, chúng tôi muốn có thêm thông tin, lắng nghe các ý kiến để làm sao du lịch Đà Lạt phát triển hơn nữa, xanh hơn nữa trong dòng chảy công nghiệp văn hoá. Đặc biệt các kinh nghiệm của những thành phố sáng tạo âm nhạc trên thế giới đã phát triển như thế nào ?”.

Nhà báo Trần Xuân Toàn, Phó Tổng biên tập Báo Tuổi trẻ phát biểu Đề dẫn 

Đà Lạt hướng đến hình mẫu tăng trưởng xanh

Thành phố Đà lạt đang nỗ lực toàn diện hướng tới mục tiêu tăng trưởng xanh. Theo đó, Chủ tịch UBND TP. Đặng Quang Tú nhấn mạnh, một là, xây dựng Đà Lạt trở thành hình mẫu tiêu biểu về tăng trưởng xanh, phát triển bền vững thông qua phát triển du lịch, dịch vụ kết hợp hài hòa với bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc địa phương.

Hai là, xây dựng Đà Lạt trở thành thành phố du lịch, dịch vụ hiện đại, đô thị thông minh, là Trung tâm Văn hóa nghệ thuật, thể dục thể thao và giải trí cấp vùng; góp phần cùng tỉnh Lâm Đồng, khu vực kinh tế trọng điểm Nam Trung bộ và cả nước phát huy tốt nhất, hiệu quả nhất các tiềm năng, giá trị du lịch vốn có.

Chủ tịch UBND TP.Đà Lạt Đặng Quang Tú nêu những mục tiêu xây dựng Đà Lạt trở thành hình mẫu tiêu biểu tăng trưởng xanh 

Và ba là, tiếp tục nỗ lực không ngừng để thực hiện các cam kết thành phố sáng tạo âm nhạc UNESCO lộ trình đến năm 2027 góp phần thúc đẩy phát triển mạnh mẽ ngành công nghiệp văn hóa địa phương, xem đây không chỉ là trách nhiệm mà còn là niềm vinh dự, tự hào của người dân, của thành phố Đà Lạt - tỉnh Lâm Đồng, đặc biệt là giới văn nghệ sĩ, những người yêu âm nhạc.

Tài nguyên thiên nhiên và di sản văn hóa là nền tảng

Tham luận tại Hội thảo, Tiến sĩ Jackie Lei Tin Ong - Giảng viên cấp cao ngành Quản trị du lịch và khách sạn, Đại học RMIT Việt Nam nhấn mạnh vai trò của ngành văn hóa càng lúc càng quan trọng hơn trong nền kinh tế toàn cầu. Ngành văn hóa đóng góp không nhỏ vào việc xây dựng nhận dạng thương hiệu quốc gia, tạo công ăn việc làm và thúc đẩy phát triển kinh tế cũng như sử dụng phát huy tài nguyên thiên nhiên bền vững.

Tiến sĩ Jackie Lei Tin Ong tham luận Hội thảo 

Với chủ đề “Mô hình xây dựng nền công nghiệp văn hóa từ tài nguyên thiên nhiên và văn hóa địa phương ở các quốc gia trong khu vực như Singapore, Thái Lan”, Tiến sĩ Ong cho biết tại các quốc gia này đã có nhiều mô hình hiệu quả về phát triển ngành văn hóa. Cách tiếp cận của Singapore là ứng dụng các giải pháp đổi mới sáng tạo kết hợp với giá trị truyền thống văn hóa, tích hợp nhiều lĩnh vực như nghệ thuật, văn hóa, truyền thông, thiết kế, giải trí, dùng công nghệ và chuyển đổi số - một yếu tố rất quan trọng trong sản xuất phim và xây dựng văn hóa trên mạng, tạo ra giá trị nghệ thuật số và văn hóa đắm chìm trọn vẹn.

Cũng theo Tiến sĩ Ong, Chính phủ Singapore cũng mong muốn bảo tồn văn hóa truyền thống, tích hợp thiết kế đô thị có tính bền vững và bảo tồn văn hóa với nhiều hoạt động tại khu phố tàu, tổ chức Liên hoan Phim Quốc tế Singapore, các chương trình âm nhạc, thể hiện được những truyền thống địa phương có giá trị hấp dẫn rất lớn trên toàn cầu. Văn hóa Peranakan cùng các hoạt động nghệ thuật đa văn hóa cũng được quốc gia này lồng ghép vào thiết kế đô thị và các hình thức lễ hội văn hóa-nghệ thuật khác…

Các đại biểu tham gia Hội thảo 

Còn với Thái Lan, Tiến sĩ Ong cho biết, bảo tồn di sản văn hóa đồng thời kết hợp du lịch hiện đại để phát triển kinh tế. Thái Lan nổi bật với chiến lược cân bằng giữa truyền thống văn hóa lâu đời và hiện đại hóa, đặc biệt thông qua chương trình Thailand 4.0. Quốc gia này chú trọng phát triển du lịch bền vững bằng cách khai thác tài nguyên thiên nhiên như bãi biển, sông ngòi, núi non và các công viên quốc gia. Thái Lan tự hào với đền chùa cổ kính, ẩm thực đặc sắc và các lễ hội truyền thống như Songkran…

Đối với Malaysia, quốc gia này chú trọng đến ngoại giao văn hóa như là sự lựa chọn con đường để phát huy sự đa dạng văn hóa và xây dựng thương hiệu quốc gia. Malaysia đã và đang phát huy lợi thế sở hữu rừng nhiệt đới, hòn đảo và núi non, theo đó đẩy mạnh các hoạt động gắn với thiên nhiên như Lễ hội Âm nhạc Rừng Nhiệt đới. Đặc biệt, sự giao thoa của nhiều dân tộc đã tạo nên truyền thống văn hóa độc đáo. Những lễ hội như Festival Kraf cùng các di sản được UNESCO công nhận đã giúp Malaysia khẳng định vị thế là “điểm đến văn hóa” hàng đầu Đông Nam Á…

Công nghiệp văn hóa là "bà đỡ" để du lịch Đà Lạt trở thành thương hiệu và đẳng cấp  

“Ba quốc gia, ba chiến lược khác nhau nhưng đều hướng đến mục tiêu chung: phát triển bền vững và quảng bá bản sắc văn hóa. Nếu như Singapore là hình mẫu của sự hiện đại và công nghệ, Thái Lan lại tỏa sáng với nét truyền thống hòa cùng nhịp sống mới. Malaysia lựa chọn con đường ngoại giao văn hóa gắn với di sản đa sắc tộc”, Tiến sĩ Jackie Ong kết luận.

Du lịch phát triển nhiều chiều trong hội nhập và bền vững   

Hội thảo quốc tế “Đà Lạt phát triển du lịch xanh và công nghiệp văn hóa từ tài nguyên thiên nhiên đa dạng sinh học và văn hóa địa phương” còn được nhiều diễn giả và đại biểu tham gia với các ý kiến từ nhiều giác độ khác nhau. Các ý kiến tiếp tục làm rõ hơn những lợi thế của thành phố Đà Lạt góp phần quan trọng để ngành du lịch Đà Lạt phát triển ở một tầm cao mới, đó là mạnh hơn, có chiều sâu, đẳng cấp và sự bền vững.

Trong tham luận “Tài chính xanh cho sàn giao dịch hoa bền vững” của mình, Tiến sĩ Trần Văn Bình - Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Giao dịch hàng hóa Sài Gòn Invest,  cho rằng tài chính xanh sẽ giúp nâng cao giá trị hoa Đà Lạt trên thị trường toàn cầu. Tài chính xanh thúc đẩy các phương pháp sản xuất bền vững, đồng thời khuyến khích nhà đầu tư hướng đến công nghệ sạch, từ đó tạo ra sản phẩm thân thiện với môi trường.

Các đại biểu tham gia thảo luận 

Tiến sĩ Phạm S-Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng với bài viết “Những giải pháp đột phá phát triển du lịch xanh và công nghiệp văn hóa từ tài nguyên thiên nhiên đa dạng sinh học và văn hóa địa phương trong xu thế hội nhập quốc tế” vừa nêu ra những hạn chế đồng thời là những giải pháp từ thực tiễn. Đó là đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức; hoàn thiện cơ chế, chính sách; tăng cường ứng dụng khoa học và công nghệ; đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực; thu hút và hỗ trợ đầu tư thiết thực.

Đó còn là các giác độ khác như chủ đề “Vận hành và phát triển thành phố sáng tạo âm nhạc” của diễn giả Phạm Thị Thanh Hương-Trưởng Ban Văn hóa, Văn phòng UNESCO Việt Nam; “Xây dựng và phát triển nền công nghiệp văn hóa tại Việt Nam nói chung và Đà Lạt nói riêng” của diễn giả Vũ Nhật Tân-Giảng viên Trường Đại học Văn hóa TP. Hồ Chí Minh…

Hội thảo càng sôi nổi tại hai phiên thảo luận với nhiều khách mời là lãnh đạo các doanh nghiệp, trường đại học, viện nghiên cứu, văn nghệ sĩ trong nước và Thái Lan. Đó là ông Hà Năng Việt, bà Lê Thị Thùy Lan, bà Tạ Thị Tú Uyên, Tiến sĩ Mai Minh Nhật, bà Apinya Iamampha, Tiến sĩ Nguyễn Thị Thu Hà, đạo diễn Phan Đăng Di, đạo diễn Trịnh Đình Lê Minh, nhạc sĩ Quốc Trung…  

Minh Đạo
: dulichxanh