Petrovietnam đánh giá nghiên cứu, phát triển các mỏ nhỏ, cận biên

Thứ tư, 3/3/2021 | 09:22 GMT+7
Tại Hà Nội, ngày 2/3, Tổng giám đốc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam) Lê Mạnh Hùng vừa chủ trì buổi làm việc đánh giá nghiên cứu, phát triển các mỏ nhỏ, cận biên.

Theo Báo cáo nghiên cứu về phát triển các mỏ nhỏ, cận biên do Ban Khai thác Dầu khí trình bày, tổng sản lượng thu hồi kỹ thuật đối với các dự án mỏ nhỏ, cận biên vào khoảng 300 triệu thùng dầu/condensate và khoảng 100 tỷ m3 khí. Theo các điều kiện thông thường đang được áp dụng cho các dự án dầu khí hiện tại, không có dự án mỏ nhỏ, cận biên nào có thể triển khai được. Chính vì vậy, các dự án mỏ nhỏ, cận biên rất cần cơ chế khuyến khích các nhà đầu tư tham gia triển khai nhằm đảm bảo tối đa nguồn tài nguyên dầu khí có thể thu hồi, đảm bảo nguồn thu cho ngân sách Nhà nước. 

Tổ nghiên cứu đưa ra các kịch bản, kiến nghị cụ thể nhằm phát triển, khai thác các dự án mỏ nhỏ, cận biên, mang lại hiệu quả cho các nhà đầu tư. Sau khi nghe báo cáo, lãnh đạo Tập đoàn và các Ban chuyên môn đã trao đổi, đánh giá, góp ý cho nội dung bản báo cáo.

Buổi làm việc đánh giá nghiên cứu, phát triển các mỏ nhỏ, cận biên của Petrovietnam

Kết luận buổi làm việc, Tổng giám đốc Petrovietnam Lê Mạnh Hùng đánh giá cao tổ công tác đã nghiên cứu việc phát triển các mỏ nhỏ, cận biên nghiêm túc, bài bản, đồng thời đã đưa ra các đề xuất, giải pháp triển khai công việc hiệu quả. Ông Lê Mạnh Hùng nhấn mạnh, trong môi trường kinh doanh hiện nay và theo chiến lược phát triển Tập đoàn, cần có các giải pháp đột phá để thay đổi cơ chế, tạo động lực tăng trưởng. Trong đó, đối với khu vực truyền thống, việc nghiên cứu, phát triển các mỏ nhỏ, cận biên là các giải pháp phù hợp với hiện trạng phát triển của Tập đoàn. Sau khi có các nghiên cứu cụ thể về việc triển khai phát triển, khai thác các mỏ nhỏ, cận biên sẽ tạo tiền đề cùng các Bộ, ngành liên quan nghiên cứu, đánh giá và đưa vào kế hoạch sửa đổi Luật Dầu khí trong thời gian tới.

Tổng giám đốc Petrovietnam khẳng định, tiềm năng dầu khí cũng như cần thiết phải nghiên cứu, triển khai phát triển mỏ nhỏ, cận biên, tạo sự phát triển ổn định, bền vững của lĩnh vực tìm kiếm thăm dò và khai thác dầu khí (E&P) qua đó, góp phần tăng sản lượng cho Tập đoàn, tăng nguồn thu ngân sách, tránh lãng phí nguồn tài nguyên dầu khí của quốc gia, cũng như đồng bộ với xu hướng chuyển dịch năng lượng. Bên cạnh đó, việc nghiên cứu, đánh giá phát triển các mỏ nhỏ cận biên cũng nằm trong quá trình xây dựng, quản trị danh mục đầu tư của lĩnh vực E&P, cũng như của Tập đoàn. Thông qua việc quản trị danh mục đầu tư, Tập đoàn sẽ tiếp tục kêu gọi các nhà đầu tư tham gia vào các dự án trong thời gian tới, hướng tới sự phát triển bền vững.

Cùng ngày, Tổng giám đốc Petrovietnam cũng chủ trì buổi làm việc về danh mục và chiến lược phát triển thị trường cho các sản phẩm của Petrovietnam.

Tại buổi làm việc, đại diện Ban Thương mại Dịch vụ trình bày báo cáo nghiên cứu, đánh giá về các sản phẩm, định hướng, chiến lược sản xuất và phát triển thị trường cho các sản phẩm này trong thời gian tới. Tập đoàn hiện đang có các sản phẩm chính gồm dầu thô, khí, xăng dầu các loại, phân bón, điện, xơ sợi, LPG, PP cùng các sản phẩm khác như dung dịch khoan, hoá phẩm, dịch vụ… Việc nghiên cứu, đánh giá tổng quan về các sản phẩm của Petrovietnam đã làm rõ ưu điểm, tiềm năng cũng như bất lợi của từng loại sản phẩm, từ đó đưa ra định hướng chiến lược phát triển phù hợp, hiệu quả cho từng sản phẩm. Đồng thời, báo cáo cũng đưa ra giải pháp định hướng cho việc phát triển của từng sản phẩm, dự báo phát triển của mỗi loại sản phẩm trong bối cảnh đón đầu xu hướng chuyển dịch năng lượng.

Lãnh đạo Tập đoàn cùng đại diện các Ban chuyên môn đã cùng trao đổi, tập trung phân tích, lý giải những điểm bất cập đối với từng sản phẩm cụ thể đồng thời đóng góp ý kiến về các giải pháp định hướng trong tình hình mới.

Petrovietnam tìm cách mở rộng thị trường, tối đa giá trị các sản phẩm

Tổng giám đốc Petrovietnam Lê Mạnh Hùng nhấn mạnh, hiện tại các sản phẩm của Petrovietnam đều là các sản phẩm truyền thống vì vậy, cần thiết phải mở rộng lĩnh vực hoạt động và sản xuất các sản phẩm mới để phù hợp, đón đầu xu hướng chuyển dịch năng lượng. Trong thời gian tới, Petrovietnam tập trung triển khai nghiên cứu, phát triển mở rộng thị trường, tối đa giá trị các sản phẩm. Việc triển khai nghiên cứu mở rộng sản xuất kinh doanh, sản phẩm, lĩnh vực hoạt động sẽ tạo đòn bẩy cho dịch vụ phát triển, từ đó mở rộng thị phần, đảm bảo cho sự phát triển bền vững của Tập đoàn trong tình hình mới.

Ông Lê Mạnh Hùng lưu ý tập trung một số nhóm giải pháp cụ thể như các giải pháp về cơ chế chính sách, đồng thời có chiến lược phát triển sản phẩm hiệu quả, rõ ràng. Thêm vào đó, Ban chuyên môn Tập đoàn phối hợp chặt chẽ với các đơn vị thành viên, nghiên cứu những giải pháp đồng bộ với chiến lược và định hướng phát triển chung của toàn Tập đoàn.

Hải Long