Tại Lễ phát động, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng nhấn mạnh, hơn 6 thập niên đã trôi qua, Tết trồng cây "Đời đời nhớ ơn Bác Hồ” đã trở thành truyền thống, một tập quán, nét đẹp văn hóa, phong trào quần chúng sâu rộng, mang lại lợi ích to lớn cho đất nước. Trồng cây gây rừng đã góp phần bảo vệ và cải tạo môi trường sinh thái, cải thiện cảnh quan, chủ động phòng, chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu, góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân.
Trong năm 2023 vừa qua, mặc dù còn nhiều khó khăn, thách thức nhưng với sự cố gắng của các địa phương về thực hiện chương trình Trồng 1 tỷ cây xanh đến năm 2025, cả nước đã trồng được 260.000ha rừng trồng tập trung, 127 triệu cây xanh phân tán, góp phần cung cấp nguyên liệu ổn định cho công nghiệp chế biến, xuất khẩu; tỷ lệ che phủ rừng được duy trì trên 42%, công tác bảo vệ rừng có chuyển biến tích cực. Lần đầu tiên nước ta chuyển nhượng thành công lượng giảm phát thải 10,3 triệu tấn carbon, trị giá gần 1.200 tỷ đồng.
Lễ phát động Tết trồng cây “Đời đời nhớ ơn Bác Hồ”
Theo Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng, tỉnh Tuyên Quang luôn là địa phương đi đầu về quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, nêu cao quyết tâm phát triển lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp thành ngành kinh tế chủ lực, góp phần không nhỏ vào mục tiêu xây dựng nông thôn mới và phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng an ninh của tỉnh, đời sống người dân ngày càng tiến bộ. Các thành tích về tỷ lệ trồng rừng mới hàng năm của Tuyên Quang đạt kết quả tốt: trồng hơn 11.000ha rừng/năm; tỷ lệ che phủ rừng luôn được giữ vững, ổn định trên 65%, đứng nhóm đầu cả nước, đứng thứ 2 cả nước về quản lý rừng bền vững theo tiêu chuẩn quốc tế; kinh tế lâm nghiệp phát triển mạnh mẽ, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và cả nước.
Trong bối cảnh biến đổi khí hậu toàn cầu ngày càng gay gắt, đa dạng sinh học bị suy giảm, Việt Nam luôn nhất quán với chủ trương hướng đến phát triển bền vững, quyết tâm ứng phó với biến đổi khí hậu, xây dựng nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, thân thiện với môi trường. Việt Nam đang từng bước thực hiện mạnh mẽ các cam kết về công nghệ và tài chính để đạt phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050, bảo vệ môi trường sinh thái, trồng cây, bảo vệ rừng.
Nhân dịp này, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng đề nghị các cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, đoàn thể và nhân dân Tuyên Quang có kế hoạch và hành động thật cụ thể, thiết thực, tiếp tục phát huy những thành tựu đã đạt được, khơi dậy tiềm năng, lợi thế của tỉnh về tài nguyên rừng và đất lâm nghiệp, gắn trồng cây gây rừng, bảo tồn đa dạng sinh học với giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống, xây dựng nông thôn mới, nâng cao chất lượng đời sống cho nhân dân, góp phần xây dựng tỉnh Tuyên Quang phát triển nhanh, bền vững.
Các ngành, các cấp tổ chức tốt hoạt động tuyên truyền, giáo dục để mọi người nhận thức đầy đủ ý nghĩa to lớn, lợi ích thiết thực của việc trồng cây, bảo vệ, phát triển rừng; thực hiện nghiêm quy định của pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng, góp phần bảo vệ bền vững môi trường sinh thái; việc tổ chức trồng cây phải bảo đảm chất lượng, thiết thực, hiệu quả, tạo điều kiện để huy động được sự vào cuộc của đông đảo quần chúng; chú trọng chọn lựa cây trồng bản địa, cây rừng đa tác dụng, phù hợp với điều kiện thời tiết, thổ nhưỡng, mùa vụ trên từng địa bàn để bảo đảm cây sau khi trồng đạt tỉ lệ sống cao, sinh trưởng, phát triển tốt, hiệu quả.