Theo Thông tư 23/2023/TT-BNNPTNT có hiệu lực từ ngày 1/2/2024 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tài liệu sử dụng để đo đạc kết quả giảm nhẹ phát thải khí nhà kính gồm: kết quả công bố hiện trạng rừng toàn quốc hàng năm, báo cáo kết quả điều tra, kiểm kê và theo dõi diễn biến rừng toàn quốc, các số liệu thống kê ngành lâm nghiệp của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; số liệu thống kê, kiểm kê đất đai theo quy định của Bộ Tài nguyên và Môi trường; số liệu thống kê về lâm nghiệp và sử dụng đất của Tổng cục Thống kê; các báo cáo và số liệu thống kê về lâm nghiệp, đất đai do cơ quan có thẩm quyền của địa phương ban hành.
Số liệu sử dụng để đo đạc kết quả giảm nhẹ phát thải khí nhà kính gồm: diện tích các trạng thái rừng; sản lượng khai thác gỗ, củi; diện tích rừng bị thiệt hại do cháy, thiên tai, sinh vật gây hại rừng; diện tích biến động giữa các trạng thái rừng; diện tích chuyển đổi đất có rừng sang loại đất khác và ngược lại; sinh khối trung bình của các trạng thái rừng; tăng trưởng sinh khối, trữ lượng gỗ trung bình hàng năm của các trạng thái rừng; trữ lượng trung bình gỗ chết; sinh khối thảm khô - thảm mục của các trạng thái rừng; trữ lượng carbon trong đất; khối lượng vật liệu cháy.
Kết quả giảm nhẹ phát thải khí nhà kính được xác định tại năm cơ sở và năm thực hiện đo đạc đối với từng biện pháp giảm nhẹ, cụ thể: lượng phát thải và lượng hấp thụ khí nhà kính do thay đổi trữ lượng carbon sinh khối; lượng phát thải và lượng hấp thụ khí nhà kính do thay đổi trữ lượng carbon trong gỗ chết, thảm khô - thảm mục; lượng phát thải và lượng hấp thụ khí nhà kính do thay đổi trữ lượng carbon trong đất; lượng phát thải khí nhà kính do đốt sinh khối.
Triển khai các giải phát để giảm phát thải khí nhà kính trong lĩnh vực lâm nghiệp
Cũng theo quy định mới, từ ngày 1/2/2024, nhiều biện pháp được áp dụng nhằm giảm nhẹ phát thải khí nhà kính trong lĩnh vực lâm nghiệp như: bảo vệ rừng tự nhiên; bảo vệ rừng ven biển; trồng mới rừng phòng hộ, rừng đặc dụng và rừng sản xuất trên đất không có rừng; khoanh nuôi xúc tiến tái sinh tự nhiên, khoanh nuôi xúc tiến tái sinh tự nhiên có trồng bổ sung, làm giàu rừng, nuôi dưỡng rừng tự nhiên; phát triển rừng trồng gỗ lớn; phát triển các mô hình nông lâm kết hợp; quản lý rừng bền vững.
Việc xác định khu vực thực hiện các biện pháp giảm nhẹ dựa vào thông tin, dữ liệu xác định các biện pháp giảm nhẹ; xây dựng các lớp thông tin chuyên đề xác định ranh giới của từng biện pháp giảm nhẹ; xác định ranh giới của từng biện pháp giảm nhẹ. Trong đó, thông tin, dữ liệu xác định các biện pháp giảm nhẹ gồm: bản đồ hiện trạng rừng thời điểm xác định khu vực thực hiện; bản đồ ranh giới 3 loại rừng; bản đồ chi trả dịch vụ môi trường rừng; bản đồ địa hình gồm các lớp ranh giới hành chính, đường bình độ, điểm độ cao, khu dân cư, đường giao thông.
Xây dựng các lớp thông tin chuyên đề xác định ranh giới của từng biện pháp giảm nhẹ gồm: lớp ranh giới trạng thái rừng từ bản đồ hiện trạng rừng; lớp phân khu chức năng của các khu rừng đặc dụng từ bản đồ ranh giới 3 loại rừng; lớp ranh giới khu vực được chi trả dịch vụ môi trường rừng từ bản đồ chi trả dịch vụ môi trường rừng; lớp mô hình số độ cao từ bản đồ địa hình; lớp độ dốc từ mô hình số độ cao; lớp khoảng cách đến các khu dân cư từ lớp khu dân cư của bản đồ địa hình; lớp khoảng cách đến đường giao thông chính từ lớp đường giao thông của bản đồ địa hình.
Xác định ranh giới của từng biện pháp giảm nhẹ: thực hiện chồng xếp không gian các lớp thông tin chuyên đề bằng các phần mềm hệ thống thông tin địa lý thành lớp thông tin tổng hợp; phân tích, lựa chọn xác định ranh giới cho từng biện pháp giảm nhẹ.