Nông nghiệp sạch

Ứng dụng khoa học công nghệ, thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong phát triển nông nghiệp

Thứ ba, 21/5/2024 | 11:46 GMT+7
Khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo ngày càng có vai trò quan trọng, đóng góp tích cực vào tăng trưởng nông nghiệp. Thông tin được chia sẻ tại hội nghị Phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức mới đây tại Hà Nội.

Cụ thể, theo các nghiên cứu và kết quả tính toán, khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo đã đóng góp rất lớn cho ngành nông, lâm, thủy sản, giúp ngành đạt mục tiêu trên 50%. Khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo giúp cải thiện cơ cấu giống và tăng năng suất cây trồng vật nuôi, góp phần đáng kể trong tăng năng suất, chất lượng nông nghiệp.

Bên cạnh đó, khoa học công nghệ còn thúc đẩy cơ giới hóa nông nghiệp, năng suất lao động ngành nông, lâm, thủy sản. Nhiều nhóm sản phẩm chủ lực cấp quốc gia, cấp tỉnh có hàm lượng ứng dụng khoa học công nghệ rất cao được áp dụng từ khâu sản xuất giống, nuôi trồng, chế biến. Việc áp dụng các quy trình sản xuất tiên tiến, thân thiện với môi trường (như VietGAP, GlobalGAP...) ngày càng được phổ biến nhân rộng, đem lại các sản phẩm an toàn, chất lượng cao phục vụ nhu cầu của thị trường.

Phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn

Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến nhấn mạnh, sự phát triển của nghiên cứu khoa học đã giúp ngành nông nghiệp tiếp tục là trụ đỡ của nền kinh tế. Năm 2023, tăng trưởng GDP toàn ngành lập kỷ lục 3,83% - cao nhất trong nhiều năm gần đây, đóng góp lớn vào mức tăng trưởng 5,05% của nền kinh tế. Tuy nhiên, thực tế hiện nay chỉ ra rằng, mặc dù khoa học công nghệ có đóng góp tích cực nhưng những người trực tiếp làm khoa học công nghệ lại đang chịu không ít khó khăn.

Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông quốc gia Lê Minh Lịnh kiến nghị, hoạt động chuyển giao tiến bộ kỹ thuật cần đổi mới theo hướng kết hợp giữa Nhà nước với doanh nghiệp, theo chuỗi ngành hàng, chuyển đổi số. Theo đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần đặt hàng những tiến bộ kỹ thuật ưu tiên, phù hợp với định hướng hiện tại để triển khai các dự án khuyến nông theo mục tiêu chung. Đồng thời, gắn các hoạt động chuyển giao công nghệ với tổ chức sản xuất theo chuỗi nhằm nâng cao năng suất, hiệu quả, chất lượng sản phẩm, nâng cao giá trị cây trồng trên một đơn vị diện tích, tăng thu nhập cho nông dân và phát triển bền vững.

Theo Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ và môi trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Hữu Ninh, lãnh đạo ngành nông nghiệp nên sớm rà soát, hoàn thiện các quy chế, quy định quản lý nội bộ, nhất là với 3 Viện xếp hạng đặc biệt của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, nhằm tiến tới quản lý điều hành thống nhất, minh bạch, hiệu quả, khắc phục thủ tục, giấy tờ, các khâu trung gian.

Ngoài ra, việc trao quyền tự chủ cho tổ chức, cá nhân chủ trì nhiệm vụ khoa học công nghệ cần gắn với vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu; tạo điều kiện để doanh nghiệp, các thành phần kinh tế tham gia nghiên cứu, hoàn thiện và chuyển giao công nghệ mới.

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhấn mạnh, hiện không phải là lúc "trông chờ vào Bộ" để triển khai các nhiệm vụ khoa học mà các cơ sở đào tạo cần chủ động hợp tác quốc tế, liên kết với doanh nghiệp, phối hợp theo ngành dọc giữa khối viện và trường để nhanh chóng triển khai có hiệu quả việc lồng ghép khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực nông nghiệp.

Khả Như (T/H)