Nông nghiệp sạch

Phê duyệt Đề án Phát triển nông nghiệp hữu cơ tỉnh Hà Tĩnh

Thứ năm, 16/5/2024 | 15:50 GMT+7
UBND tỉnh Hà Tĩnh vừa ban hành Quyết định số 1216/QĐ-UBND phê duyệt Đề án Phát triển nông nghiệp hữu cơ tỉnh Hà Tĩnh giai đoạn 2024 - 2030.

Theo Quyết định, UBND tỉnh Hà Tĩnh phấn đấu đến năm 2030, diện tích nhóm đất nông nghiệp sản xuất hữu cơ đạt khoảng 2 - 2,5% tổng diện tích nhóm đất nông nghiệp. Diện tích đất trồng trọt hữu cơ đạt khoảng 2% tổng diện tích đất trồng các cây chủ lực: lúa, rau các loại, cây ăn quả... với quy mô 2.500ha. Tỷ lệ sản phẩm chăn nuôi hữu cơ khoảng 2% trên tổng sản phẩm chăn nuôi với các sản phẩm có tiềm năng lợi thế như mật ong, nhung hươu, thịt các loại (lợn, bò, dê, gia cầm…). Diện tích nuôi tôm hữu cơ đạt khoảng 2 - 3% tổng diện tích nuôi tôm với sản phẩm chủ yếu là tôm sú. Giá trị sản phẩm trên 1ha đất trồng trọt hữu cơ cao gấp 1,7 - 2 lần so với phi hữu cơ.

Theo đó, đối với vùng trồng trọt, tỉnh ưu tiên lựa chọn các vùng sản xuất đã có sản phẩm được chứng nhận thực hành nông nghiệp tốt, lựa chọn các loại cây trồng có lợi thế, đáp ứng tốt nhu cầu thị trường để sản xuất theo tiêu chuẩn nông nghiệp hữu cơ. Cụ thể, tỉnh lựa chọn vùng sản xuất phù hợp để phát triển nông nghiệp hữu cơ, ưu tiên phát triển các vùng sản xuất đã có sản phẩm chứng nhận VietGAP, GlobalGAP, đã có các mô hình sản xuất theo hướng hữu cơ... có điều kiện đất đai, khí hậu thuận lợi phù hợp với đối tượng cây trồng chủ lực (lúa gạo, rau các loại, cây ăn quả, chè…) để thực hiện chuyển đổi sản xuất theo hướng nông nghiệp hữu cơ và phù hợp tiêu chuẩn hữu cơ.

Hà Tĩnh thực hiện chuyển đổi sản xuất theo hướng nông nghiệp hữu cơ

Tổng diện tích canh tác nông nghiệp hữu cơ lĩnh vực trồng trọt đến năm 2030 đạt khoảng 2.500ha, trong đó vùng sản xuất lúa hữu cơ, diện tích canh tác khoảng 1.350ha, tập trung tại các địa phương: Đức Thọ, Can Lộc, Thạch Hà, Cẩm Xuyên, Kỳ Anh... Vùng sản xuất rau, quả hữu cơ đạt diện tích canh tác khoảng 100ha, tập trung tại các địa phương: Thạch Hà, Can Lộc, Cẩm Xuyên, Kỳ Anh... Vùng sản xuất cây ăn quả hữu cơ diện tích canh tác khoảng 800ha, tập trung tại các địa phương: Hương Sơn, Hương Khê, Vũ Quang, Can Lộc… Vùng sản xuất chè hữu cơ diện tích khoảng 250ha, tập trung tại Sơn Kim 2, Sơn Tây (huyện Hương Sơn); Hương Trà (huyện Hương Khê); Kỳ Trung, Kỳ Thượng, Kỳ Tây (huyện Kỳ Anh).

Với vùng chăn nuôi, tỉnh lựa chọn xây dựng các mô hình chăn nuôi hữu cơ, theo hướng hữu cơ, chăn nuôi theo tiêu chuẩn quy chuẩn, chăn nuôi an toàn với các loại vật nuôi như lợn, bò, gia cầm, huơu, ong, dê... Ưu tiên lựa chọn các cơ sở chăn nuôi, trang trại chăn nuôi gắn với các vùng sản xuất phù hợp để phát triển nông nghiệp hữu cơ, ưu tiên phát triển vùng sản xuất đã có cây thức ăn (rau xanh, cỏ, lúa, ngô…) làm nguồn nguyên liệu thức ăn cho chăn nuôi.

Tỷ lệ sản phẩm chăn nuôi hữu cơ, theo hướng hữu cơ, chăn nuôi tiêu chuẩn, chăn nuôi an toàn đạt khoảng 2% tổng sản phẩm chăn nuôi vào năm 2030. Trong đó, chăn nuôi lợn theo hướng hữu cơ, hữu cơ, đạt tiêu chuẩn, an toàn tập trung tại các địa phương như Cẩm Xuyên, Vũ Quang, Can Lộc, Thạch Hà, Kỳ Anh.. Chăn nuôi bò theo hướng hữu cơ, đạt tiêu chuẩn gắn với các vùng trồng trọt hữu cơ tạo vùng nguyên liệu thức ăn cho chăn nuôi, tập trung tại các địa phương: Hương Sơn, Hương Khê, Vũ Quang, Cẩm Xuyên, Kỳ Anh…

Tỉnh Hà Tĩnh cũng sẽ đẩy mạnh vùng nuôi trồng thủy sản theo hướng xanh. Trong đó, sẽ lựa chọn xây dựng các vùng nuôi tôm hữu cơ, ưu tiên phát triển vùng sản xuất đã có sản phẩm được chứng nhận VietGAP hoặc có các mô hình sản xuất theo hướng hữu cơ.... để thực hiện chuyển đổi sang sản xuất nông nghiệp hữu cơ và phù hợp tiêu chuẩn hữu cơ. Phấn đấu tổng diện tích nuôi tôm hữu cơ trên địa bàn đến năm 2030 đạt khoảng 2 - 3% tổng diện tích nuôi tôm (khoảng 75ha), chủ yếu là tôm sú.

Để triển khai thực hiện Đề án, tỉnh Hà Tĩnh sẽ xây dựng các mô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ theo chuỗi giá trị làm nơi tham quan, học tập kinh nghiệm để nhân ra diện rộng. Cụ thể: xây dựng 20 mô hình, gồm 5 mô hình sản xuất lúa (10 - 20ha/mô hình); 4 mô hình trồng lúa kết hợp nuôi trồng thủy sản, nuôi rươi (trên 2ha/mô hình); 4 mô hình trồng cây ăn quả (từ 5 - 10ha/mô hình); 4 mô hình sản xuất rau (5.000 - 10.000m2/mô hình); 3 mô hình sản xuất chè (3 - 5ha/mô hình).

Về chăn nuôi, sẽ xây dựng các mô hình chăn nuôi hữu cơ, theo hướng hữu cơ, thực hiện hỗ trợ áp dụng quy trình kỹ thuật chuyển đổi sang sản xuất nông nghiệp hữu cơ và phù hợp tiêu chuẩn hữu cơ với 35 mô hình chăn nuôi.

Về nuôi trồng thủy sản, sẽ xây dựng, thực hiện các mô hình tôm sú quảng canh cải tiến hữu cơ, thực hiện hỗ trợ áp dụng quy trình kỹ thuật chuyển đổi sang sản xuất theo hướng nông nghiệp hữu cơ và phù hợp tiêu chuẩn hữu cơ (5 mô hình với quy mô 1ha/mô hình).

Kim Bảo (T/H)