Công nghệ Giao thông

Phát triển giao thông thông minh góp phần bảo vệ môi trường

Thứ năm, 16/5/2024 | 08:00 GMT+7
Ngày 15/5, tại TPHCM, trường Đại học Việt Đức và Sở Giao thông vận tải TPHCM phối hợp tổ chức tọa đàm Xu hướng giao thông thông minh - Cách tiếp cận thúc đẩy giao thông bền vững.

Tọa đàm nhằm nhận diện triển vọng phát triển giao thông thông minh ở góc nhìn nhu cầu phát triển bền vững, bảo vệ môi trường, chống biến đổi khí hậu, chuyển đổi số.

Theo TS. Hà Thúc Viên, Phó Hiệu trưởng trường Đại học Việt Đức, để nhận diện đầy đủ, hỗ trợ thúc đẩy xu thế đổi mới công nghệ giao thông vận tải hướng tới phát triển bền vững, nhà trường tổ chức buổi tọa đàm với các nhà quản lý, chuyên gia giàu kinh nghiệm làm việc trong khối doanh nghiệp và Nhà nước về lĩnh vực giao thông vận tải để chia sẻ kinh nghiệm, quan điểm về các thị trường giao thông thông minh – đổi mới công nghệ, cơ hội nghề nghiệp cũng như những kỹ năng cần thiết cho thế hệ kỹ sư giao thông thông minh.

Trường Đại học Việt Đức kỳ vọng, qua chương trình sẽ trao đổi, thảo luận với các đối tác về các khả năng hợp tác đào tạo nhân lực trình độ cao, nghiên cứu chính sách và phát triển giải pháp công nghệ giao thông thông minh dựa trên nền tảng dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo vạn vật (AioT), bản sao số (Digital Twins) cho các hệ thống giao thông và đô thị ở Việt Nam.

Phát triển giao thông thông minh ở góc nhìn nhu cầu phát triển bền vững, bảo vệ môi trường, chống biến đổi khí hậu, chuyển đổi số. (Ảnh minh họa)

Phát biểu tại tọa đàm, PGS.TS Vũ Anh Tuấn, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu giao thông vận tải, trường Đại học Việt Đức nhận định, cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 đã mang đến nhiều đổi mới, tuy nhiên nó cũng tác động nhiều đến hệ thống giao thông trên khắp thế giới và Việt Nam, đặc biệt là biến đổi khí hậu, sức khỏe con người.

Trong đó, phương tiện động cơ đốt trong đã gây biến đổi khí hậu trên toàn cầu, bụi mịn thải ra hàng ngày gây ra những cái chết thầm lặng, tác động nhất định đến sức khỏe người dân.

Vì vậy, trong thời đại giao thông thông minh, sử dụng chung phương tiện và kết nối phương tiện là vấn đề cốt lõi, giúp bảo vệ môi trường, giảm ùn tắc giao thông, bảo vệ sức khỏe người dân. Mỗi xe ô tô sẽ là trung tâm dữ liệu nhỏ để kết nối với đèn tín hiệu trên đường, phương tiện kết nối với phương tiện, người đi bộ. Hay trong tương lai, khi ngồi trên xe ô tô, chúng ra không cần phải tham gia cuộc họp trực tiếp mà hoàn toàn là trực tuyến.

Theo ông Vũ Anh Tuấn, giao thông thông minh sẽ tập trung vào những giải pháp công nghệ thông tin và chuyển đổi năng lượng để thúc đẩy các hệ thống giao thông xanh, bền vững, thông minh. Con người sẽ là trung tâm trong giao thông thông minh. Tuy nhiên, khi xuất hiện một giải pháp, hệ thống mới cần được ứng dụng rộng rãi, được xã hội chấp nhận với các khung pháp lý, quy hoạch đô thị phù hợp và hỗ trợ giải pháp giao thông thông minh.

Các công tác quy hoạch và quản lý phát triển đô thị, hạ tầng giao thông, hạ tầng liên quan phải có sự thay đổi để tạo nền tảng phát triển giao thông thông minh. Giao thông thông minh cũng sẽ tạo ra những thay đổi lớn trong quy hoạch đô thị và vùng.

Trong khuôn khổ tọa đàm, trường Đại học Việt Đức giới thiệu chương trình cử nhân Kỹ thuật giao thông thông minh (Smart Mobility Engineering – SME), với sinh viên khóa 1 được tuyển sinh trong năm 2024. Mục tiêu đào tạo, khung chương trình, cơ hội nghề nghiệp, các trường đại học đối tác Đức cùng các điều kiện hỗ trợ đào tạo khác cũng đã được chia sẻ tại chương trình.

Nhã Quyên (t/h)