Phát triển lĩnh vực công nghiệp khí hoàn chỉnh, đồng bộ

Thứ hai, 31/7/2023 | 14:45 GMT+7
Quy hoạch tổng thể về năng lượng quốc gia thời kỳ 2021 – 2023, tầm nhìn đến năm 2050 vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt nêu định hướng phát triển lĩnh vực công nghiệp khí hoàn chỉnh, đồng bộ tất cả các khâu.

Cụ thể, Quy hoạch tổng thể về năng lượng quốc gia thời kỳ 2021 – 2023, tầm nhìn đến năm 2050 định hướng phát triển lĩnh vực công nghiệp khí hoàn chỉnh, đồng bộ tất cả các khâu: khai thác - thu gom - vận chuyển - chế biến - dự trữ - phân phối khí và xuất nhập khẩu sản phẩm khí.

Phát triển thị trường tiêu thụ khí theo cơ chế thị trường có sự điều tiết của Nhà nước và từng bước hội nhập với thị trường khí khu vực và thế giới.

Vận hành an toàn và hiệu quả các hệ thống đường ống thu gom, vận chuyển, xử lý, chế biến khí hiện hữu. Tiếp tục khai thác tối ưu, thu gom tối đa khối lượng khí từ các mỏ khí có trữ lượng lớn, đồng thời, tăng cường thu gom các mỏ khí có trữ lượng nhỏ, các mỏ biên nhằm đảm bảo thu gom tối đa các nguồn khí thông qua đường ống sẵn có tại các bể sông Hồng, Cửu Long, Nam Côn Sơn và Mã Lai - Thổ Chu.

Đồng thời, đẩy mạnh triển khai các dự án phát triển mỏ, khai thác, thu gom khí bằng hệ thống đường ống, bằng tàu nén khí (Floating CNG) tại các mỏ chưa có hệ thống thu gom, mở rộng phạm vi thu gom khí (CNG, LNG...) từ các mỏ không có khả năng thu gom khí bằng đường ống (mỏ nhỏ, có giá trị cận biên, khí có hàm lượng CO2 cao... đặc biệt là các mỏ khí đồng hành).

Đầu tư xây dựng nhà máy xử lý khí, đường ống vận chuyển khí đến nhà máy xử lý khí để cung cấp khí cho các trung tâm nhiệt điện, các nhà máy chế biến khí và các hộ tiêu thụ công nghiệp.

Định hướng phát triển lĩnh vực công nghiệp khí hoàn chỉnh, đồng bộ tất cả các khâu

Bên cạnh đó, tăng cường đầu tư cơ sở hạ tầng, đẩy mạnh và khuyến khích các nhà thầu đầu tư xây dựng hệ thống thu gom khí ngoài khơi để kết nối với các hệ thống đường ống hiện có. Triển khai xây dựng đường ống nhập khẩu khí từ các mỏ của các nước lân cận vào hệ thống đường ống hiện có và đường ống sẽ xây dựng mới trong tương lai.

Tiến hành hợp tác với các đối tác trong và ngoài nước cùng đầu tư nghiên cứu, áp dụng các giải pháp công nghệ hợp lý nhằm tận thu khí đang bị đốt bỏ tại các giàn khai thác, tách các sản phẩm có giá trị cao như ethane, propane/butane (LPG), condensate tại các nhà máy xử lý khí nhằm nâng cao giá trị nguồn tài nguyên dầu khí. Xây dựng hạ tầng để thu gom và vận chuyển nguồn khí từ các mỏ đang khai thác.

Triển khai xây dựng kho cảng LNG và nhập khẩu khí thiên nhiên (LNG, CNG) để phục vụ nhu cầu sản xuất điện, công nghiệp và dân dụng. Tìm kiếm các nguồn khí nhập khẩu từ Malaysia, Indonesia, Brunei... thông qua việc sử dụng các cơ sở hạ tầng sẵn có, đồng thời, thúc đẩy quan hệ quốc tế để có được các nguồn nhập khẩu khí (LNG, CNG) từ các nước có nguồn cung và thuận lợi về thương mại, vận tải, sẵn sàng nhập khẩu LNG từ năm 2023.

Hoàn thiện hệ thống đồng bộ cung cấp khí thiên nhiên, LNG, CNG, LPG, DME trên phạm vi toàn quốc đáp ứng nhu cầu nhiên liệu cho năng lượng, phân bón, công nghiệp, giao thông vận tải và sinh hoạt dân dụng. Tiếp tục phát triển hệ thống vận chuyển đường ống khí thiên nhiên thấp áp cho nhu cầu sử dụng của các hộ tiêu thụ công nghiệp dọc tuyến ống dẫn khí, khu dân cư ở các thành phố lớn.

Tập trung nguồn lực đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án công nghiệp khí gồm: dự án kho cảng nhập LNG Thị Vải (giai đoạn 1 công suất 1 triệu tấn/năm, dự kiến hoàn thành năm 2023; giai đoạn 2 nâng công suất lên 3 triệu tấn/năm, dự kiến hoàn thành sau năm 2025); dự án kho cảng nhập LNG Sơn Mỹ (công suất 3,6 triệu tấn/năm, dự kiến hoàn thành giai đoạn 1 năm 2026 - 2027); dự án khí Lô B (công suất 6,4 tỷ m3/năm, dự kiến hoàn thành năm 2027); chuỗi dự án khí Cá Voi Xanh (công suất 7 - 9 tỷ m3/năm, dự kiến hoàn thành trước năm 2030).

Mục tiêu cụ thể: thu gom tối đa khí đồng hành của các lô/mỏ mà PVN và các nhà thầu dầu khí khai thác tại Việt Nam. Xây dựng cơ sở hạ tầng đảm bảo đủ năng lực cung cấp 100% nhu cầu khí nguyên liệu cho điện và cho các hộ tiêu thụ khác trong đó năng lực nhập khẩu khí tự nhiên hóa lỏng đạt khoảng 15,7 - 18,2 tỷ m3 vào năm 2030 và định hướng khoảng 10,6 - 12,2 tỷ m3 vào năm 2050.

Phát triển thị trường khí đạt khoảng 30,7 - 33,2 tỷ m3/năm vào năm 2030. Định hướng khoảng 20 - 22 tỷ m3 vào năm 2050.

Hải Long