Năng lượng tái tạo

Phát triển lưới điện thông minh để tích hợp, vận hành hiệu quả nguồn năng lượng tái tạo quy mô lớn

Thứ sáu, 2/5/2025 | 10:00 GMT+7
Điều chỉnh Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch điện VIII) đặt mục tiêu xây dựng hệ thống lưới điện thông minh, đủ khả năng tích hợp, vận hành an toàn, hiệu quả nguồn năng lượng tái tạo quy mô lớn.

Tại quyết định số 768/QĐ-TTg ngày 15/4/2025, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Điều chỉnh Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch điện VIII).

Trong đó, về phương án phát triển lưới điện, định hướng phát triển hệ thống truyền tải điện đồng bộ với tiến độ các nguồn điện, nhu cầu phát triển phụ tải của các địa phương, sử dụng công nghệ hiện đại, đảm bảo tiêu chuẩn quốc tế, sẵn sàng kết nối khu vực. Phát triển lưới điện thông minh (Smart Grid) để tích hợp các nguồn năng lượng tái tạo ở quy mô lớn, đáp ứng yêu cầu vận hành hệ thống điện an toàn, ổn định và kinh tế.

Phát triển lưới điện truyền tải 500kV và 220kV bảo đảm khả năng giải tỏa công suất các nhà máy điện, nâng cao độ tin cậy cung cấp điện, giảm tổn thất điện năng, đáp ứng tiêu chí N-1 đối với vùng phụ tải quan trọng và N-2 đối với vùng phụ tải đặc biệt quan trọng và nguồn điện hạt nhân. Phát triển lưới điện truyền tải điện có dự phòng lâu dài, tăng cường sử dụng cột nhiều mạch, nhiều cấp điện áp đi chung để giảm diện tích chiếm đất. Khuyến khích xây dựng các trạm biến áp truyền tải kết hợp cung cấp điện cho phụ tải lân cận.

Lưới điện truyền tải 500kV giữ vai trò xương sống trong liên kết các hệ thống điện miền và trao đổi điện năng với các nước trong khu vực. Giới hạn truyền tải liên miền ở mức hợp lý, giảm truyền tải điện đi xa, hạn chế tối đa xây dựng mới các đường dây truyền tải liên miền trước năm 2030.

Phát triển lưới điện thông minh để tích hợp các nguồn năng lượng tái tạo ở quy mô lớn, đáp ứng yêu cầu vận hành hệ thống điện an toàn, ổn định và kinh tế. (Ảnh minh họa)

Xây dựng lưới điện 220kV bảo đảm độ tin cậy, các trạm biến áp trong khu vực có mật độ phụ tải cao thiết kế theo sơ đồ đảm bảo vận hành linh hoạt. Xây dựng các trạm biến áp 220kV đủ điều kiện vận hành không người trực. Đẩy mạnh xây dựng các trạm biến áp GIS, trạm biến áp 220/22kV, trạm ngầm tại các trung tâm phụ tải.

Nghiên cứu ứng dụng hệ thống Back-to-Back, thiết bị truyền tải điện linh hoạt để nâng cao khả năng truyền tải, giảm thiểu diện tích chiếm đất. Tổ chức nghiên cứu, ứng dụng công nghệ truyền tải điện xoay chiều và một chiều điện áp trên 500kV.

Định hướng sau 2030 sẽ phát triển các đường dây truyền tải siêu cao áp một chiều kết nối khu vực Trung Trung Bộ, Nam Trung Bộ và Bắc Bộ để khai thác mạnh tiềm năng điện gió ngoài khơi. Nghiên cứu các kết nối xuyên châu Á - Thái Bình Dương.

Nghiên cứu, ứng dụng các công nghệ mới, giải pháp lưới điện thông minh (Smart Grid) như HVDC, SVC, SVG, thiết bị FACTS, BESS, DLR phù hợp với nhu cầu hệ thống để đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật và tăng hiệu quả vận hành.

Về khối lượng xây dựng lưới truyền tải, giai đoạn 2025 - 2030: xây dựng mới 102.900 MVA và cải tạo 23.250 MVA trạm biến áp 500kV; xây dựng mới 12.944 km và cải tạo 1.404 km đường dây 500kV; xây dựng mới 105.565 MVA và cải tạo 17.509 MVA trạm biến áp 220kV; xây dựng mới 15.307 km và cải tạo 5.483 km đường dây 220kV.

Định hướng giai đoạn 2031 - 2035: xây dựng mới 26.000 - 36.000 MW dung lượng trạm chuyển đổi điện cao áp một chiều (trạm HVDC) và 3.500 - 6.600 km đường dây truyền tải cao áp một chiều (HVDC). Xây dựng mới 73.800 MVA và cải tạo 36.600 MVA trạm biến áp 500kV; xây dựng mới 7.480 km và cải tạo 650 km đường dây 500kV; xây dựng mới 44.500 MVA và cải tạo 34.625 MVA trạm biến áp 220kV; xây dựng mới 4.296 km và cải tạo 624 km đường dây 220kV.

Định hướng giai đoạn 2036 - 2050: xây dựng mới 26.000 - 36.000 MW dung lượng trạm HVDC và 3.600 - 6.700 km đường dây HVDC; xây dựng mới 24.000 MVA dung lượng trạm chuyển đổi điện cao áp xoay chiều (trạm HVAC) trên 500kV và 2.500 km đường dây truyền tải cao áp xoay chiều HVAC trên 500kV; xây dựng mới 72.900 MVA và cải tạo 102.600 MVA trạm biến áp 500kV; xây dựng mới 7.846 km và cải tạo 750 km đường dây 500kV; xây dựng mới 81.875 MVA và cải tạo 103.125 MVA trạm biến áp 220kV; xây dựng mới 5.370 km và cải tạo 830 km đường dây 220kV.

Theo quyết định, khối lượng lưới điện phát triển mang tính định hướng để bố trí không gian phát triển, dự kiến nhu cầu sử dụng đất cho phát triển và làm cơ sở cập nhật vào quy hoạch tỉnh, các quy hoạch có tính kỹ thuật chuyên ngành có liên quan. Thông số chi tiết về công suất, quy mô, địa điểm trạm biến áp, chiều dài, tiết diện, số mạch đường dây đấu nối sẽ xác định trong giai đoạn chuẩn bị dự án.

Dự kiến giai đoạn 2026 - 2030, vốn đầu tư phát triển lưới điện truyền tải khoảng 18,1 tỷ USD

Điều chỉnh Quy hoạch điện VIII cũng nêu yêu cầu về liên kết lưới điện với các nước trong khu vực. Cụ thể, tiếp tục nghiên cứu hợp tác, liên kết lưới điện với các nước tiểu vùng sông Mê Kông và các nước ASEAN ở các cấp điện áp 500kV và 220kV để tăng cường khả năng liên kết hệ thống, trao đổi điện năng, tận dụng thế mạnh tài nguyên của các quốc gia.

Thực hiện liên kết lưới điện với Lào bằng các tuyến đường dây 500kV, 220kV để nhập khẩu điện từ các nhà máy điện tại Lào theo hiệp định và biên bản ghi nhớ hợp tác đã ký kết giữa hai Chính phủ.

Duy trì liên kết lưới điện với các nước láng giềng qua các cấp điện áp 220kV, 110kV, trung thế hiện có; nghiên cứu thực hiện giải pháp hòa không đồng bộ giữa các hệ thống điện bằng trạm chuyển đổi một chiều - xoay chiều ở cấp điện áp 220 - 500kV.

Thực hiện kết nối lưới điện bằng các tuyến đường dây 500kV, 220kV để nhập khẩu điện từ Trung Quốc về các tỉnh phía Bắc trong giai đoạn đến năm 2030, trong đó nghiên cứu phương án liên kết theo hình thức chuyển đổi một chiều - xoay chiều hoặc siêu cao áp một chiều.

Nghiên cứu, ứng dụng liên kết lưới điện siêu cao áp với các nước trong khu vực ASEAN phục vụ xuất, nhập khẩu điện. Phương án cụ thể được cấp có thẩm quyền chấp thuận theo từng dự án.

Về nhu cầu vốn đầu tư, giai đoạn 2026 - 2030: tổng vốn đầu tư phát triển nguồn và lưới điện truyền tải tương đương 136,3 tỷ USD, trong đó: đầu tư cho nguồn điện khoảng 118,2 tỷ USD, lưới điện truyền tải khoảng 18,1 tỷ USD.

Định hướng giai đoạn 2031 - 2035: ước nhu cầu vốn đầu tư phát triển nguồn và lưới điện truyền tải tương đương 130,0 tỷ USD, trong đó: đầu tư cho nguồn điện khoảng 114,1 tỷ USD, lưới điện truyền tải khoảng 15,9 tỷ USD, sẽ được chuẩn xác trong các quy hoạch tiếp theo.

Định hướng giai đoạn 2036 - 2050: ước nhu cầu vốn đầu tư phát triển nguồn và lưới điện truyền tải tương đương 569,1 tỷ USD, trong đó: đầu tư cho nguồn điện khoảng 541,2 tỷ USD, lưới điện truyền tải khoảng 27,9 tỷ USD, sẽ được chuẩn xác trong các quy hoạch tiếp theo.

Cẩm Hạnh