Thủ tướng yêu cầu triển khai quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các giải pháp bảo đảm cung ứng điện
Dự báo phụ tải điện năm 2025 tăng trưởng lên đến 12,2% (năm 2024 tăng 10,1% so với năm 2023) cho cả năm, công suất cực đại toàn quốc đạt 54.510 MW (tăng 11,3% so với năm 2024 là 48.950MW). Do đó, để kịp thời đáp ứng nhu cầu điện trong những tháng cao điểm năm 2025 (các tháng 5, 6, 7) và thời gian tới, đảm bảo không để thiếu điện trong bất cứ trường hợp nào, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ trưởng các Bộ: Công Thương, Tài chính, Nông nghiệp và Môi trường, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, Chủ tịch và Tổng giám đốc các Tập đoàn: Điện lực Việt Nam (EVN), Công nghiệp - Năng lượng Quốc gia Việt Nam (PVN), Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV), Tổng công ty Đông Bắc quán triệt, thực hiện nghiêm túc, đầy đủ các nghị quyết của Chính phủ, các chỉ thị, công điện, văn bản chỉ đạo điều hành của Thủ tướng Chính phủ, nhất là chỉ thị số 01/CT-TTg ngày 3/1/2025 và Kế hoạch cung cấp điện và vận hành hệ thống điện quốc gia năm 2025 được phê duyệt; tăng cường công tác quản lý nhà nước, đẩy mạnh kiểm tra, giám sát về quản lý, đôn đốc, khuyến khích vận hành các công trình điện thuộc phạm vi quản lý bảo đảm cung ứng đủ điện trong các tháng cao điểm năm 2025 và thời gian tới.

Thủ tướng yêu cầu triển khai quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các giải pháp bảo đảm cung ứng điện
Thủ tướng yêu cầu Bộ trưởng Bộ Công Thương khẩn trương tổ chức triển khai Quy hoạch điện VIII điều chỉnh, kịp thời ban hành Kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII điều chỉnh để triển khai thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra trong quy hoạch, hoàn thành trước ngày 10/5/2025. Chịu trách nhiệm toàn diện trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về bảo đảm cung ứng đủ điện phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh và đời sống nhân dân.
Bên cạnh đó, Thủ tướng yêu cầu Bộ Công Thương chỉ đạo tăng cường kiểm tra, giám sát việc vận hành và đôn đốc triển khai các dự án nguồn điện, chuẩn bị tốt nhất phục vụ phát điện những tháng cao điểm như:
Đối với các nhà máy thủy điện: bảo đảm tích nước tối đa theo quy trình vận hành liên hồ chứa.
Đối với các nhà máy nhiệt điện than: chủ động nguồn nguyên liệu than để cung ứng đủ cho vận hành.
Đối với các nhà máy nhiệt điện khí: chủ động nguồn, bảo đảm cung ứng đủ khí cung cấp cho vận hành các nhà máy.
Đối với các nhà máy điện gió, điện mặt trời: tăng cường khả năng khai thác lưu trữ, tích điện để nâng cao hiệu quả và khả năng cung ứng điện.
Khánh thành Nhà máy điện sinh khối Hậu Giang
Ngày 25/4, Lễ khánh thành Nhà máy điện sinh khối Hậu Giang diễn ra tại phường Thuận An, thị xã Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang.
Nhà máy điện sinh khối Hậu Giang có tổng công suất 20 MW, là nhà máy điện sinh khối sử dụng nhiên liệu trấu, dăm gỗ đầu tiên được đưa vào vận hành tại Việt Nam tới thời điểm này. Nhà máy đấu nối vào hệ thống điện quốc gia bằng đường dây 22kV mạch kép, chiều dài tuyến khoảng 6,3km, từ nhà máy đến trạm biến áp 110kV Long Mỹ.
Nhu cầu sử dụng trấu của nhà máy khoảng 117,6 nghìn tấn/năm; góp phần làm giảm lượng khí thải hàng năm khoảng hơn 36.800 tấn CO2 tương đương.
Nhà máy sử dụng công nghệ tuabin ngưng hơi truyền thống, sử dụng nhiên liệu sinh khối, có tính chất trung hòa carbon thân thiện với môi trường (nhiên liệu chính là trấu), được vận chuyển thông qua hệ thống bến cảng nhập nhiên liệu cho phép tàu đến 300 tấn tiếp cận. Dự án được trang bị đầy đủ công nghệ xử lý chất thải tiên tiến, đảm bảo các tiêu chuẩn về môi trường theo quy định.

Lễ khánh thành Nhà máy điện sinh khối Hậu Giang
Khi đi vào hoạt động, mỗi năm nhà máy sẽ cung cấp cho hệ thống khoảng 130 triệu kWh điện. Bên cạnh đó, nhà máy cũng sẽ góp phần đa dạng hóa nguồn phát điện và đảm bảo an ninh năng lượng tại địa bàn tỉnh Hậu Giang nói riêng và khu vực đồng bằng sông Cửu Long nói chung; tận dụng các phế phẩm nông nghiệp làm nhiên liệu đầu vào sản xuất điện năng phù hợp với mô hình kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh, phát triển bền vững; thu hút thêm vốn đầu tư phát triển năng lượng tái tạo trong và ngoài nước.
Về mặt xã hội, nhà máy tạo công ăn việc làm, giúp tăng thêm thu nhập cho người dân trong khu vực. Về mặt môi trường, nhà máy góp phần giảm phát thải khí nhà kính, phù hợp với mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 do Chính phủ đề ra.
Đào tạo, chuẩn bị nguồn nhân lực cho lĩnh vực điện hạt nhân
Nhằm chuẩn bị tốt cho công tác đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cũng như phát triển khoa học công nghệ phục vụ xây dựng nhà máy điện hạt nhân tại Việt Nam, là cơ sở giáo dục trọng điểm trong lĩnh vực kiến trúc và xây dựng, ngày 24/4, tại Hà Nội trường Đại học Xây dựng Hà Nội tổ chức hội thảo khoa học về “Xây dựng nhà máy điện hạt nhân tại Việt Nam”.
Phát biểu khai mạc hội thảo, PGS.TS Hoàng Tùng, Hiệu trưởng trường Đại học Xây dựng Hà Nội nhấn mạnh: Trong bối cảnh hiện nay, Chính phủ đã khởi động Chương trình điện hạt nhân - một chiến lược quan trọng nhằm bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia. Với vai trò là cơ sở đào tạo trọng điểm trong lĩnh vực kiến trúc và xây dựng, trường Đại học Xây dựng Hà Nội nhận thức sâu sắc về trách nhiệm của mình trong việc cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao và thúc đẩy nghiên cứu khoa học nhằm đồng hành phát triển năng lượng điện hạt nhân cùng đất nước.

Quang cảnh hội thảo
Tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Minh Hà đánh giá cao vai trò chủ động của trường Đại học Xây dựng Hà Nội - một đơn vị đào tạo, khoa học công nghệ đầu ngành trong lĩnh vực kỹ thuật xây dựng, đã tích cực tham gia vào quá trình chuẩn bị nguồn lực cho các dự án hạ tầng trọng điểm của đất nước, trong đó có điện hạt nhân. Nhà trường cần tiếp tục phát huy thế mạnh trong đào tạo kỹ sư, chuyên gia trong lĩnh vực xây dựng công trình công nghiệp, hạ tầng kỹ thuật phức tạp, đặc biệt là các công trình đòi hỏi tiêu chuẩn an toàn và độ chính xác cao như nhà máy điện hạt nhân.
Điện hạt nhân là một trong những giải pháp chiến lược để đảm bảo an ninh năng lượng, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ môi trường trong dài hạn. Đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, có khả năng tiếp nhận và chuyển giao công nghệ, tiến tới nội địa hóa và làm chủ hoàn toàn công nghệ là yếu tố then chốt, quyết định sự thành bại của chiến lược này.
Tại hội thảo, đại diện các đơn vị chức năng, chuyên gia nghiên cứu, nhà khoa học cũng trình bày nhiều tham luận tập trung vào những vấn đề then chốt về xây dựng nhà máy điện hạt nhân tại Việt Nam như: hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn xây dựng và một số nhiệm vụ nghiên cứu phục vụ phát triển điện hạt nhân tại Việt Nam; xây dựng công trình nhà máy điện hạt nhân theo công nghệ Liên bang Nga; nhà máy điện hạt nhân và các vấn đề môi trường...
Phát biểu tổng kết hội thảo, TS. Tạ Đình Thi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội hoan nghênh trường Đại học Xây dựng Hà Nội đã sớm chủ động tham gia đồng hành xây dựng nhà máy điện hạt nhân tại Việt Nam. Chặng đường trước mắt còn nhiều khó khăn do đó ông đề nghị các bên liên quan cùng nhau tháo gỡ, tăng cường đào tạo nhân lực chất lượng cao, từng bước tiến tới làm chủ công nghệ để về đích công trình theo kế hoạch của Quốc hội, Chính phủ.