Nông nghiệp sạch

Phát triển nông sản có hàm lượng dinh dưỡng cao

Thứ sáu, 17/2/2023 | 17:24 GMT+7
Mới đây, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Phùng Đức Tiến đã làm việc với Phó Tổng giám đốc toàn cầu Trung tâm Khoai tây quốc tế (CIP) Hugo Campos về phát triển loại cây này ở Việt Nam.

Tại Việt Nam, khoai tây là thực phẩm chủ yếu phục vụ ăn tươi, một ít được xuất khẩu sang Indonesia. Trước đây, khoai tây có diện tích khá lớn, khoảng 100.000ha nhưng hiệu quả kinh tế thấp, một phần do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu. Hiện tại, diện tích trồng khoai tây giảm xuống khoảng dưới 20.000ha, năng suất khoai tây từ 13,5 - 15,9 tạ/ha.

Trong buổi làm việc, Phó Tổng giám đốc toàn cầu CIP chia sẻ, CIP đã có mặt và hợp tác với Việt Nam từ năm 1982, đến nay đã trải qua hơn 40 năm với nhiều thành tựu, không chỉ với cây khoai tây mà còn với nhiều loại cây khác. Ngoài 50% các nghiên cứu về khoai tây, CIP còn tập trung vào khoai lang và các cây trồng khác, trong đó nghiên cứu cách tăng sản lượng, hàm lượng dinh dưỡng trong các cây trồng đó. Hiện nay, các nghiên cứu của CIP đã đóng góp rất nhiều vào quá trình phát triển các loại cây lương thực trên thế giới, điển hình như 45 giống khác nhau đang được trồng ở châu Phi.

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến làm việc với Phó Tổng giám đốc toàn cầu CIP Hugo Campos

Ở Việt Nam, CIP đang có một dự án triển khai tại Đà Lạt với chất lượng, sản lượng của khoai tây và khoai lang đạt kết quả rất khả quan. Cụ thể, bên cạnh khả năng kháng bệnh thì sản lượng và hàm lượng dinh dưỡng của loại khoai tây của CIP rất tốt, đảm bảo được các yêu cầu phục vụ ngành công nghiệp chế biến trong nước cũng như xuất khẩu. CIP cũng đang phối hợp với các cơ quan chuyên môn Việt Nam thực hiện dự án nghiên cứu, đánh giá ảnh hưởng của quá trình sản xuất đối với đa dạng sinh học, từ đó đưa ra các giải pháp cho người nông dân để vừa có thể đảm bảo được sinh kế vừa duy trì được sự đa dạng sinh học trong môi trường.

Bên cạnh đó, Trung tâm cũng đang phối hợp với Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam (VAAS) để nghiên cứu nguồn gene của nhiều loại cây trồng ở 2 địa phương Lào Cai và Sơn La.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho biết, Thỏa thuận hạt giống xuyên biên giới do CIP làm đầu mối đã được ký kết giữa 6 nước châu Á trong đó có Việt Nam (2022). Bộ NN&PTNT rất mong sớm triển khai các cam kết tại thỏa thuận này thông qua cầu nối là CIP để triển khai hoạt động tiếp theo về trồng trọt nói chung và về các hoạt động phát triển khoai tây và khoai lang nói riêng. Ngoài ra, Bộ sẵn sàng phối hợp với đối tác CIP tìm kiếm các nguồn hỗ trợ để thực hiện các chương trình, dự án về chọn tạo giống khoai lang và khoai tây, nâng cao năng lực sản xuất và chế biến khoai tây và khoai lang cho nông dân, doanh nghiệp Việt Nam.

Nhân dịp này, Thứ trưởng mong muốn CIP hỗ trợ kỹ thuật, nghiên cứu khoa học, các mô hình tiên tiến trên thế giới để áp dụng tại Việt Nam; cùng hợp tác xây dựng triển khai các mô hình thí điểm; tăng cường năng lực cho các đối tượng khác nhau trong chuỗi giá trị sản xuất.

Theo Thứ trưởng Phùng Đức Tiến, trong quá trình thực hiện một số chương trình sức khỏe cây trồng, CIP có thể tăng cường các hoạt động này vì đây là một trong những lĩnh vực quan tâm của Khung đối tác một sức khỏe do Bộ NN&PTNT chủ trì. Sức khỏe cây trồng cũng quan trọng như sức khỏe vật nuôi, sức khỏe môi trường để đảm bảo sức khỏe con người trong mối tương tác con người, vật nuôi, cây trồng nhất là các cây lương thực đảm bảo an toàn thực phẩm cho động vật và con người.

Mỹ Dung