Nông nghiệp sạch

Phát triển sản xuất bền vững nông sản khu vực phía Nam

Thứ sáu, 11/8/2023 | 10:49 GMT+7
Lãnh đạo Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) vừa đưa ra chỉ đạo về phương hướng phát triển sản xuất bền vững nông sản tại Hội nghị Phát triển sản xuất sầu riêng, chanh leo bền vững tại các tỉnh phía Nam.

Theo báo cáo tại hội nghị, bên cạnh các loại cây trồng truyền thống, thời gian gần đây, khu vực Tây Nguyên và các tỉnh phía Nam đang dành được sự quan tâm đặc biệt đến sầu riêng và chanh leo. Đến thời điểm hiện tại, diện tích sầu riêng cả nước đạt trên 112.000ha, trong đó có khoảng 55.000ha sầu riêng đang cho thu hoạch, sản lượng đạt gần 870.000 tấn mỗi năm. Tây Nguyên là vùng có diện tích sầu riêng dẫn đầu cả nước với trên 52.000ha, tiếp đến là vùng đồng bằng sông Cửu Long với 33.200ha, vùng Đông Nam Bộ với 21.500ha.

Với cây chanh leo, cả nước hiện có 9.500ha chanh leo, sản lượng gần 190.000 tấn. Giống với cây sầu riêng, diện tích trồng chanh leo chủ yếu nằm ở các tỉnh Tây Nguyên với khoảng 8.200ha. Gia Lai là thủ phủ của cây chanh leo với khoảng 4.500ha, đồng thời là địa phương dẫn đầu trong việc thu hút, tập trung các doanh nghiệp đầu tư sản xuất giống, chế biến và tiêu thụ chanh leo.

Phát biểu tại hội nghị, ông Nguyễn Như Cường, Cục trưởng Cục Trồng trọt cho biết, ngành hàng cây ăn quả thời gian qua đã có những bước đột phá. Với mục tiêu trên 5 tỷ USD về xuất khẩu trong năm 2023, ngành trồng trọt phải phát triển theo chuỗi giá trị. Cụ thể, phải quan tâm nhiều hơn đến cây giống chất lượng cao, chuẩn hóa quy trình chăm sóc để mang lại hiệu quả cao nhất.

Phát triển ngành sản xuất nông sản theo chuỗi giá trị, quan tâm nhiều hơn đến chất lượng, chuẩn hóa quy trình chăm sóc

Theo Cục trưởng Cục Trồng trọt, để sản phẩm cây ăn quả của Việt Nam rộng đường vào các thị trường khó tính như Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ, Liên minh châu Âu… cần thiết phải ứng dụng các tiến bộ về khoa học kỹ thuật, từ khâu sản xuất đến thu hoạch, chế biến, đóng gói sản phẩm… Bên cạnh đó, rất cần những vườn ươm cây giống có địa chỉ rõ ràng, được chứng nhận đầu dòng với cây giống chất lượng cao, sạch bệnh.

Được biết, tỉnh Gia Lai đã hình thành hệ thống sản xuất giống chanh leo 3 cấp trong nhà lưới tiên tiến, đảm bảo sạch bệnh với quy mô hàng triệu cây giống mỗi năm tại các đơn vị như Công ty Nafoods, Công ty CP Quốc tế Thông Đỏ…

Ông Nguyễn Nhu Cường cũng lưu ý, việc áp dụng cơ giới hóa trong tưới nước tiết kiệm cũng hết sức quan trọng trong phát triển bền vững nông sản. Trong đó, công nghệ tưới nhỏ giọt, tưới phun mưa được ứng dụng nhiều vào sản xuất. Với cây sầu riêng, tỉnh Tiền Giang có khoảng 96% diện tích được áp dụng cơ giới hóa trong tưới nước; với cây chanh leo, Gia Lai là tỉnh có gần 2.500ha được ứng dụng công nghệ tưới tiên tiến, tưới tiết kiệm. Theo tính toán, việc áp dụng tưới tiết kiệm cho năng suất tăng từ 15 - 30% so với việc tưới nước truyền thống.

Đối với việc sử dụng các chế phẩm sinh học trong sản xuất, lãnh đạo ngành trồng trọt cũng nhấn mạnh mô hình sử dụng phân hữu cơ, nấm Trichoderma sp., các phế phụ phẩm trong sản xuất. Ngoài ra, việc thực hành nông nghiệp tốt trong sản xuất đã được các địa phương quan tâm đúng mức, bước đầu có kết quả khả quan. Tại Gia Lai, có trên 2.900ha chanh leo được áp dụng biện pháp thực hành nông nghiệp tốt; gần 866ha sầu riêng sản xuất được chứng nhận theo các tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP…

Không chỉ áp dụng tiến bộ khoa học trong quá trình sản xuất, các biện pháp sơ chế, bảo quản sau thu hoạch đối với nông sản cũng đang có nhiều tiến bộ vượt bậc như ứng dụng công nghệ cấp đông, tạo thuận lợi, hiệu quả cao.

Lãnh đạo các địa phương, nhà khoa học tham dự hội nghị đã đánh giá cao định hướng phát triển sản xuất bền vững nông sản, ưu tiên ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật trong quá trình từ sản xuất đến thu hoạch, bảo quản đối với ngành hàng cây ăn quả.

Khả Như (T/H)