Quản lý chất thải rắn sinh hoạt và giảm chất thải nhựa

Thứ sáu, 8/3/2024 | 19:40 GMT+7
Mới đây, tại tọa đàm trực tuyến “Mô hình, giải pháp quản lý chất thải rắn sinh hoạt và giảm chất thải nhựa tại các đô thị”, các chuyên gia cùng thảo luận về việc quản lý hiệu quả rác thải nhựa tại Việt Nam.

Quá trình phát triển kinh tế, đô thị hóa, sự gia tăng dân số, cùng với thói quen sinh hoạt và ý thức của con người đang khiến tình trạng ô nhiễm môi trường ngày càng nghiêm trọng, trở thành vấn đề đáng lo ngại. Do đó, giải quyết vấn đề ô nhiễm, nhất là ô nhiễm chất thải rắn sinh hoạt và chất thải nhựa tại các đô thị, là việc làm cấp bách mà nhiều quốc gia phải đối mặt, trong đó có Việt Nam.

Hiện nay, Đảng, Nhà nước ta đã đặc biệt quan tâm giải quyết vấn đề này thông qua việc đổi mới căn bản các chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường. Đồng thời, có các giải pháp thông qua nhiều dự án, chương trình hành động cụ thể như chương trình “Đô thị giảm nhựa” trong khuôn khổ dự án “Giảm thiểu rác thải nhựa đại dương tại Việt Nam”.

Dự án đã có những đóng góp hiệu quả, thiết thực trong việc triển khai Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo; Luật Bảo vệ môi trường 2020; Kế hoạch hành động quốc gia về giảm thiểu rác thải nhựa đại dương và Đề án Việt Nam chủ động chuẩn bị và tham gia xây dựng Thỏa thuận toàn cầu về ô nhiễm nhựa đại dương.

Quang cảnh tọa đàm

Theo ông Nguyễn Công Dũng, Tổng biên tập báo Đảng Cộng sản Việt Nam, giáo dục ý thức bảo vệ môi trường cho người dân là vấn đề quan trọng, được Đảng, Nhà nước rất quan tâm chỉ đạo để giúp người dân hiểu rõ vai trò quan trọng của môi trường đối với sự phát triển của đất nước và sự tồn tại của con người. Từ đó, xây dựng nhận thức đúng đắn, hành động thân thiện và văn minh với môi trường.

Ông Phan Xuân Thủy, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương cho biết, theo thống kê, Việt Nam nằm trong 20 quốc gia có lượng rác thải lớn nhất và cao hơn mức trung bình thế giới. Hiện nay, Việt Nam đang thải ra môi trường khoảng 60.000 tấn rác sinh hoạt một ngày, trong đó khoảng 60% là rác thải sinh hoạt đô thị.

Đáng chú ý, chất thải nhựa ở Việt Nam không chỉ phát sinh nhiều mà đa phần đều bị thải trực tiếp cùng các loại chất thải khác và không được phân loại. Điều này gây khó khăn cho công tác phân loại, xử lý tái chế và giảm rác thải nhựa tại các địa phương. Trong khi đó, chất thải rắn là một trong những vấn đề môi trường nghiêm trọng ở Việt Nam khi tốc độ gia tăng lượng chất thải rắn sinh hoạt giai đoạn 2021 - 2030 trung bình là 6%/năm.

Theo Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, giảm thiểu rác thải nhựa là một trong những hoạt động quan trọng trong công cuộc bảo vệ môi trường và không thể tách rời với công tác quản lý rác thải sinh hoạt nói chung. Cùng với đó là việc tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục về ý thức bảo vệ môi trường. Để giải quyết vấn đề này, cần có sự chung tay của các cấp, các ngành, tổ chức chính trị - xã hội, doanh nghiệp và mỗi người dân Việt Nam.

Tại tọa đàm, các đại biểu tập trung trao đổi về công tác tuyên truyền, quán triệt, triển khai việc quản lý chất thải rắn sinh hoạt và giảm chất thải nhựa tại các đô thị; kết quả, hạn chế thực hiện việc quản lý chất thải rắn sinh hoạt và giảm chất thải nhựa tại đô thị; kinh nghiệm rút ra, phương hướng trong thời gian tới để nâng cao sức mạnh việc quản lý chất thải rắn sinh hoạt và giảm chất thải nhựa tại các đô thị; những vấn đề cần đặt ra nhằm nâng cao việc quản lý chất thải rắn sinh hoạt và giảm chất thải nhựa tại đô thị.

Lâm Bảo (T/H)